Mỹ khó xoay chuyển tình trạng biến đổi khí hậu

13/08/2015 8:43:21 SA

​​Trong lúc tuyên bố những chi tiết cuối cùng về kế hoạch Năng lượng sạch hôm đầu tuần, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra 3 mục tiêu chính trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng kế hoạch này chỉ giúp nước Mỹ giảm bớt lượng khí thải chứ không thể ngăn chặn được tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ba điểm chính mà ông Obama đã nêu trong kế hoạch Năng lượng sạch cuối cùng của mình gồm giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cho Mỹ vị thế dẫn đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Và một lý do truyền cảm hứng cho nhiều người: Bảo vệ hành tinh vì thế hệ sau.

Theo Nhà Trắng, Kế hoạch Năng lượng sạch của Mỹ được công bố hôm 3/8 vừa qua gồm các điều luật và quy định đề cập trực tiếp đến vấn đề gây ô nhiễm của các nhà máy điện đang hoạt động trong nước, lần đầu tiên hạn chế lượng khí thải carbon từ các nhà máy này. Kế hoạch này dự kiến sẽ buộc các nhà máy điện đến năm 2030 phải giảm lượng khí thải carbon khoảng 32% so với mức năm 2005. Được biết, các nhà máy điện ở Mỹ đóng góp tới 40% lượng khí thải carbon dioxide của toàn nước Mỹ.

Không may thay, theo các nghiên cứu chuyên sâu, Kế hoạch này có thể sẽ không có tác dụng gì trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu bởi còn chưa rõ sức ảnh hưởng của nó. Rất khó để có thể tạo nên một thế giới tươi đẹp hơn cho các thế hệ tương lai chỉ bằng cách giảm tốc độ phát triển của nhân loại, một tiêu chí mà Kế hoạch này kêu gọi các nước làm theo.

Theo một số nghiên cứu khoa học chính thống về biến đổi khí hậu, một trong những chủ đề nóng bỏng ngày nay, thì hiện tượng Trái Đất nóng thêm đến 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này là hậu quả của lượng khí carbon dioxide thải ra từ việc đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch – gồm than, dầu, khí tự nhiên. Gần 90% lượng nhiệt độ tăng lên đó được dự báo sẽ đến từ các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác ở khu vực cận Sahara thuộc châu Phi.

Điều này có nghĩa rằng, nếu người dân Mỹ ngừng hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch kể từ nay cho đến cuối thế kỷ, Trái Đất cũng chỉ bớt nóng đi khoảng 0,15 độ C. Bởi vậy, dù mang trong mình một ý chí hướng tới hành tinh xanh, nhưng Kế hoạch Năng lượng sạch mới được công bố cũng chỉ giảm 10% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính từ nay cho đến năm 2030 và khó có thể làm thay đổi tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

Theo ước tính, trong trường hợp đạt mục tiêu giảm 10% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, Mỹ cũng chỉ giúp giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu đi khoảng 0,02 độ C vào cuối thế kỷ này. Nói cách khác, nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Mỹ có thể sẽ là vô nghĩa nếu như không có sự chung tay của chính phủ các nước trên thế giới.Kế hoạch Năng lượng mới là một bước tiến, nhưng khó có thể làm thay đổi hiện tượng BĐKH

Bên cạnh đó, lợi ích về sức khỏe cộng đồng mà Kế hoạch Năng lượng sạch đề cập tới phần lớn không sinh ra từ việc giảm thải carbon dioxide. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng, xét cho vùng thì carbon dioxide cũng chỉ là một loại khí không màu, không mùi và không gây độc khi hít phải. Loại khí này ngược lại còn hỗ trợ tốt trong việc giảm một số loại ô nhiễm không khí sinh ra từ nhiên liệu hóa thạch.

Trong một cuộc hội thảo lớn về khí hậu của LHQ tổ chức tại Paris vào tháng 12 tới đây, Tổng thống Barack Obama sẽ có bài phát biểu quan trọng để thuyết phục giới lãnh đạo trên toàn thế giới rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng, cần phải có sự hợp tác rộng rãi mới có thể giải quyết được, và rằng Mỹ đang làm tròn trách nhiệm của mình trong việc dẫn dắt những nỗ lực ấy. Tuy nhiên, chỉ riêng việc hợp tác chống biến đổi khí hậu cũng đã là một thách thức đối với chính quyền Washington.

Ngay trong thời điểm hiện tại, thế giới cũng nhận ra rằng nội bộ nước Mỹ đang tranh cãi gay gắt về vấn đề này. Và hiện ông Obama cũng phải vất vả để thuyết phục người dân trong nước rằng đây là kế hoạch tốt và vì lợi ích tương lai của nước Mỹ. Trước khi Kế hoạch Năng lượng sạch được công bố, đã có một số bang của nước Mỹ yêu cầu ngừng kế hoạch này. Ở thời điểm hiện tại, khi kế hoạch đã được thông suốt, Quốc hội Mỹ vẫn đang tranh cãi nảy lửa về đề tài biến đổi khí hậu, trong khi các ngành công nghiệp liên quan tới than đá ở nước này cũng tỏ rõ sự bất bình.

Còn xét rộng hơn, về mặt quốc tế, ông Obama cũng khó có thể thuyết phục các nước đang phát triển làm theo họ. Đối với các nước đang phát triển, việc giảm thải khí carbon dioxide đồng nghĩa với việc giảm mức tăng trưởng kinh tế và bước tiến nhân loại. Trong khi đó, các công nghệ tái chế năng lượng hiện nay hầu như không thể đạt hiệu quả ngay lập tức trong bối cảnh thế giới hiện có hơn 1 tỷ người dân vẫn đang sống và sinh hoạt mà không có điện năng.

Đối với những quốc gia thuộc phần kém phát triển hơn của thế giới, việc giảm thải lượng carbon dioxide bằng cách hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch thực tế là điều khó thực hiện được và đem lại nhiều hậu quả nguy hiểm.

Giảm lượng khí thải đồng nghĩa với việc hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, từ đó dẫn đến hạn chế giao thông, điện năng, điều hòa không khí cùng nhiều các công nghệ hiện đại quan trọng khác. Đối với những khu vực người dân còn nghèo khó, những hạn chế này thậm chí còn gây nên nhiều hậu quả nhãn tiền hơn đối với sức khỏe và hoạt động của con người.

Nhìn chung, tuy mang một động cơ hoàn toàn tốt đẹp, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tiễn hay thuyết phục các nước khác chung tay bảo vệ hành tinh vốn không phải một việc dễ dàng.

(Theo Báo Đại đoàn kết)
Bản in