Tại hội thảo “Công tác bảo vệ môi trường - ứng phó biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay” do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam TP. HCM tổ chức, các nhà khoa học đã báo động về tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ các chất độc hại trong không khí với những thông số đáng lo ngại…
Thiếu kiểm soát
Theo PGS.TS. Nguyễn Lê Ninh, ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường, UBMTTQ VN TP. HCM, tại TP.HCM, hiện nồng độ bụi đặc trưng PM10 có nơi đạt tới 80 microgram/m3, trong khi nồng độ cho phép nhỏ hơn con số này nhiều lần. Nồng độ SO2 lên đến 30 microgram/m3, nồng độ benzen có nơi đạt 35 - 40 microgram/m3. Hàng năm tại Việt Nam, các phương tiện giao thông đã thải ra 6 triệu tấn CO2, 61.000 tấn CO, 35.000 tấn NO2, 12.000 tấn SO2... Nồng độ các chất có hại trong không khí ở các đô thị lớn vượt quá mức cho phép nhiều lần, riêng SO2 cao gấp 2 - 3 lần.
TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc phát thải khí độc khó kiểm soát một phần là do các trạm quan trắc khí tự động sau thời gian lắp đặt đến nay đã bị tê liệt. Đơn cử, toàn bộ 9 trạm quan trắc không khí tự động ở TP.HCM và 2 trạm ở Hà Nội đã “bất động”, mức độ ô nhiễm môi trường tại 2 thành phố lớn này đang tuột khỏi tầm kiểm soát của các chuyên gia. Lý do là thiếu kinh phí duy trì, bảo dưỡng và hiệu chỉnh các thiết bị đo các số liệu liên quan. Không chỉ ở 2 thành phố lớn mà tình hình trạm quan trắc “bất động” hoặc hoạt động cầm chừng vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương. Ngoài ra, công cụ kiểm soát ô nhiễm không khí là các trạm quan trắc vừa yếu lại vừa thiếu đã không cập nhật kịp thời và đầy đủ số liệu về chất lượng không khí tại TP. Hà Nội, TP. HCM... nên không có khả năng công khai thông tin các trường hợp phát thải vượt mức chỉ tiêu cho phép được quy định trong Luật bảo vệ Môi trường cho người dân biết.
Đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm, các nhà khoa học đều khẳng định, gần như 100% đô thị lớn của nước ta hiện đang bị ô nhiễm bụi. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng chủ yếu từ giao thông do 100% xe máy chưa được kiểm soát nguồn thải. Mặt khác, việc quản lý chất lượng không khí vẫn đang tồn tại sự chồng chéo giữa các Bộ ngành: Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về môi trường, trong đo, có không khí nhưng rốt cuộc lại giao cho Bộ Giao thông Vận tải kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí đô thị. Việc đánh giá, kiểm soát nguồn thải lại giao cho các Bộ giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng... quản lý.
Đẩy mạnh ứng dụng nguyên liệu sinh học
Theo Dự thảo Chiến lược đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 được Bộ Giao thông Vận tải công bố, số xe gắn máy của cả nước đến năm 2020 sẽ đạt 36 triệu chiếc. Tuy nhiên, hiện nay số xe gắn máy trên toàn quốc đã đạt khoảng 38,6 triệu chiếc. Như vậy, con số xe gắn máy trên toàn quốc đã vượt mức trước hạn và điều này là một trong những nguy cơ gia tăng lượng khí thải độc hại cho môi trường.
Đề xuất các giải pháp ứng phó với ô nhiễm không khí, PGS.TS. Nguyễn Lê Ninh cho rằng, việc hạn chế CO2 trong khí thải động cơ xe cơ giới trong xu hướng phát triển kỹ thuật ô tô hiện thời là không thể. Quá trình cháy nhiên liệu trong động cơ càng hoàn hảo, lượng CO2 hình thành trong sản phẩm cháy càng nhiều, đó là quy luật bất khả kháng. Người ta chỉ có thể làm giảm lượng CO2 trong bầu không khí do khí thải của xe cơ giới và các ngành công nghiệp liên quan bằng cách tăng diện tích thảm thực vật hoặc thu hồi CO2 trong không khí để biến chúng thành nhiên liệu như thành tựu nghiên cứu khoa học gần đây được Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hải dương Nhật Bản công bố.
Chính vì vậy, trước mắt Việt Nam cần đẩy mạnh việc ứng dụng nhiên liệu sinh học như cồn ethanol (nhiên liệu sinh học E5), mỡ cá basa, khí methan (CH4) từ chất thải hữu cơ, dầu jatropha... để giảm ô nhiễm không khí do khí xả của động cơ đốt trong. Tăng cường bán 100% xăng E5 tại tất cả cửa hàng xăng dầu như Quảng Ngãi và Vũng Tàu hiện đang thực hiện rất tốt.
Đồng thời, không ngừng cải tiến kỹ thuật thiết kế - chế tạo động cơ, hợp lý hóa và tối ưu hóa kỹ thuật sử dụng, khai thác động cơ nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cải tạo nền kinh tế, xã hội để có cơ sở quy hoạch địa bàn cư trú phù hợp các vùng kinh tế nhằm triển khai ứng dụng giao thông công cộng một cách hợp lý để có điều kiện hạn chế bớt số phương tiện xe gắn máy.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. HCM, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật thành phố mong muốn, Hội thảo này cũng đưa ra một số nội dung để góp sức thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động của UBMTTQ Việt Nam TP. HCM để cùng các ngành chức năng của thành phố tham gia vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực động viên các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, chủ động góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ địa bàn dân cư, từ thành viên trong mỗi gia đình.
(Theo Báo TN&MT) |