Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia

31/08/2015 9:56:34 SA

 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu tại cuộc họp

Ngày 26/8, tại Trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và các Thứ trưởng: Trần Hồng Hà, Nguyễn Thái Lai, Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Linh Ngọc đã nghe Vụ Kế hoạch báo cáo về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường (TN&MT) quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Thời gian qua, hoạt động quan trắc TN&MT ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước về TN&MT, đặc biệt là từ khi thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia theo quy định tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch 16). Đến nay, cả nước đã xây dựng và vận hành mạng lưới gần 700 trạm và 2.000 điểm quan trắc TN&MT; thu thập được khối lượng lớn tư liệu của nhiều lĩnh vực; xây dựng được đội ngũ trên 3.000 quan trắc viên chuyên nghiệp,… Tuy nhiên, do được xây dựng trên nền tảng là mạng lưới riêng rẽ, được hình thành từ nhiều thời kỳ khác nhau, phục vụ cho từng lĩnh vực; một số đối tượng quan trắc chưa được đưa vào quy hoạch (như ước lượng mưa, điều tiết hồ chứa, kiểm soát tài nguyên nước, nguồn nước xuyên biên giới); thiếu tầm nhìn, dự báo về sự phát triển đô thị, dẫn đến bị động trong quá trình đô thị hóa nhanh; số lượng trạm đo còn thưa và chưa hợp lý; chưa có cơ chế trao đổi số liệu, thông tin điều tra cơ bản; nhiều công trình quan trắc xuống cấp, công nghệ lạc hậu,… Do vậy, việc xây dựng và ban hành Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 để thay thế cho Quy hoạch 16 là yêu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý ngành TN&MT và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch mới nhằm xây dựng được hệ thống quan trắc TN&MT quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt ngang trình độ các nước trong khu vực, đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và các ngành kinh tế kỹ thuật khác; phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo nội dung dự thảo, mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia được quy hoạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 gồm 07 mạng thành phần theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT (gồm các mạng quan trắc: khí tượng thủy văn; tài nguyên nước, môi trường, tài nguyên và môi trường biển, vệ tinh và địa động lực; địa chất khoáng sản; tài nguyên đất) và 01 mạng các phòng thí nghiệm; với định hướng lồng ghép các trạm, điểm, công trình quan trắc để xây dựng các trạm tổng hợp nhằm hạn chế đầu tư và hạn chế sử dụng đất đai.

 

Toàn cảnh cuộc họp


Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cho biết, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo đã quyết liệt, sát sao, đôn đốc việc chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo quy hoạch. Đến nay, dự thảo đã cơ bản hoàn thiện, tuy nhiên, Thứ trưởng cũng định hướng một số vấn đề cần trao đổi để thống nhất trước khi trình Chính phủ như: việc mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường của quốc gia và có liên kết với các mạng quan trắc của Bộ, ngành và địa phương; vấn đề mạng quan trắc tài nguyên đất nên thực hiện định kỳ theo dự án; kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới quan trắc theo phân kỳ; nguồn lực thực hiện quy hoạch về con người và trang thiết bị; phân công cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng mạng lưới quan trắc để kết nối, chia sẻ dữ liệu…

Đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành dự thảo, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Các Bộ, ngành đều đánh giá cao quan điểm và định hướng lồng ghép tối đa các trạm quan trắc, lấy nòng cốt là trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý hoàn thiện tập trung chủ yếu vào việc bảo đảm đầu tư không chồng chéo, lãng phí, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; có cơ chế lưu trữ, chia sẻ dữ liệu; xây dựng hệ thống trạm, điểm quan trắc sử dụng công nghệ hiện đại,…  Tại cuộc họp, một số vấn đề tiếp tục được các Thứ trưởng và đại biểu tham dự cho ý kiến nhằm trao đổi, góp ý hoàn thiện cho dự thảo Quy hoạch, trong đó tập trung vào việc lồng ghép các trạm để đáp ứng nhu cầu quan trắc nhiều lĩnh vực; vấn đề nhân lực và đầu tư trang thiết bị; kế hoạch đầu tư, phân kỳ rõ ràng, bảo đảm tiết kiệm chi ngân sách, hạn chế xây mới,…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng: Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia sẽ là mạng lưới hoạt động ổn định, lâu dài; là “xương sống” cơ bản, có thể chia sẻ và kết nối với các trạm quan trắc của các bộ, ngành và địa phương với sự quản lý thống nhất của Bộ TN&MT. Mạng lưới quan trắc được quy hoạch phải lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực, có tính kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có, trong đó mạng quan trắc khí tượng thủy văn là nòng cốt.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc phải chủ động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm công tác quản lý, vận hành mạng quan trắc TN&MT; các đề xuất đầu tư phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng giai đoạn; ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường, phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, đồng thời hội nhập với khu vực và quốc tế. 

Hưng Nam/monre.gov.vn


Bản in