(Ảnh minh họa: Kim Há/TTXVN)
Trong những năm gần đây, việc đấu nối nước thải hộ gia đình vào hệ thống thoát nước vẫn chưa có các quy định cụ thể. Theo thống kê, hiện nay khả năng thu gom nước thải hộ gia đình vào khu xử lý nước tại các địa phương trên cả nước mới chỉ đạt 50%.
Những bất cập trong việc xử lý nước thải hộ gia đình hiện nay đã được phân tích khá kỹ trong tham luận của bà Trần Thị Thảo Hương, Trưởng phòng Thoát nước và Xử lý nước thải (Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng) tại hội thảo “Giới thiệu Dự án đào tạo bền vững dành cho các dự án về nước do Quỹ tài chính doanh nghiệp Danida (Đan Mạch) tài trợ, diễn ra ngày 8/9, tại Hà Nội.
Thông tin thêm về vấn đề này, bà Hương cho biết, việc đấu nối xử lý nước thải hộ gia đình vào hệ thống thoát nước hiện đang được triển khai đồng bộ tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, ở các địa phương, tùy theo điều kiện đặc thù nên sẽ có các khoản hỗ trợ khác nhau.
“Thậm chí, có một số tỉnh thành, việc đấu nối nước thải hộ gia đình vẫn chưa đạt mức trung bình. Thực tế này cho thấy hiệu quả đầu tư đấu nối vẫn còn thấp, ô nhiễm môi trường là đáng lo ngại,” bà Hương phân trần.
Theo bà Hương, khó khăn của việc đấu nối nước thải hộ gia đình là hệ thống tuyến cống cấp 3 chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, mà chỉ tập trung vào một khu vực hẹp. Thêm vào đó là, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chưa cao.
Trước thực tế nêu trên, bà Hương cho rằng các địa phương cần có quy chế, thể chế hóa việc triển khai đấu nối nước thải hộ gia đình rõ ràng, bởi nếu việc xả thải không phù hợp sẽ gây ô nhiễm trầm trọng môi trường, gây bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Trong khi đó, chia sẻ về lợi ích của việc đấu nối, bà Phạm Thị Thanh Sương, Phó Giám đốc Công ty môi trường đô thị Đắk Lắk - địa phương đã triển khai thành công dự án thoát nước thành phố Buôn Ma Thuật (giai đoạn 1) - cho biết, từ khi “bắt tay” triển khai đấu nối nước thải hộ dân, trên địa bàn không còn hầm tự hoại, bể chứa trong nhà.
Bà Sương cũng khẳng định, triển khai đấu nối nước thải hộ gia đình không tốn phí cho việc hút hầm vệ sinh, nhưng toàn bộ nước thải vẫn được thu gom và xử lý triệt để.
Trên cơ sở đó, tại hội thảo, các chuyên gia quản lý nước thải đến từ Vương quốc Đan Mạch cũng kiến nghị các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ việc đấu nối để góp phần xây dựng môi trường sống tốt hơn cho cộng động hôm nay và thế hệ tương lai.
Theo TTXVN |