Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết: Vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng xấu đi, nhiều loại tài nguyên thiết yếu có nguy cơ ô nhiễm trong thời gian tới.
Còn nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường tại Đắk Nông-Ảnh minh họa: TL
Đặc biệt là hệ thống cấp và thoát nước chưa xây dựng quy mô, đồng bộ. Nước thải sinh hoạt đô thị chưa có hệ thống thu gom riêng và xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường tiếp nhận. Đối với nước thải công nghiệp, mới có Khu công nghiệp Tâm Thắng đi vào hoạt động nhưng hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn chưa đi vào vận hành chính thức dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý chất thải cũng như nguy cơ ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh và hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Thêm nữa, chất lượng nước mặt tại một số địa phương, nhất là các khu vực đô thị mới phát triển đang có xu thế tăng dần nồng độ các chất gây ô nhiễm theo thời gian, độ đục, chất hữu cơ trongnước suối, hồ đều vượt quy chuẩn quy định. Nguyên nhân do hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tại các đô thị của tỉnh chưa được xử lý trước khi đổ ra môi trường tiếp nhận. Tiêu biểu như: suối Đăk Nông (thị xã Gia Nghĩa), hồ Tây (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil)… thường xuyên có nồng độ BOD5 vượt 2 – 3 lần quy chuẩn cho phép.
Đối với đất sản xuất nông nghiệp, kết quả khảo sát mới đây cho thấy hàm lượng đạm trong đất khá thấp (<0,18% N) do việc sử dụng phân bón hóa học không đúng quy cách dẫn đến thảm phủ thực vật suy giảm kéo theo lượng chất dinh dưỡng trong đất giảm. Kết quả là đất bị bạc màu, thoái hóa và ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông lâm nghiệp, sức khoẻ người dân và môi trường trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đang suy giảm cả về số lượng và chất lượng các loài. Đây là hệ quả trực tiếp của tình trạng dân số tăng nhanh và việc phá rừng làm nương rẫy, mở rộng đất canh tác khiến các loài động thực vật mất nơi cư trú. Mặc dù diện tích rừng trồng có tăng song diện tích rừng tự nhiên liên tục giảm có thể khiến nhiệt độ bình quân tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở… có nguy cơ xảy ra thường xuyên và khó dự báo hơn.
Quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là một số ngành nghề khai thác, chế biến khoáng sản Antimon, Wolfram, đặc biệt là sản xuất Alumin, điện phân nhôm... cũng đang tạo ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường do sử dụng trang thiết bị lạc hậu và thiếu kinh phí cho xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cũng chưa được chú trọng đúng mức.
Để đối phó hiệu quả với các thách thức về bảo vệ môi trường, thời gian tới, Đắk Nông sẽ xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí, chuẩn mực về môi trường để đánh giá mức độ bảo vệ môi trường của từng xí nghiệp, cơ quan, gia đình, làng bản, khu phố, tập thể, cá nhân, cán bộ đảng viên … Tỉnh cũng chú trọng xây dựng và thực hiện hương ước, quy định, cam kết bảo vệ môi trường; lồng ghép các vấn đề môi trường vào trong chương trình giáo dục; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Quản lý, thu gom, vận chuyển an toàn các loại chất thải đặc biệt là chất thải nguy hại, chất thải rắn…