Các nhà nghiên cứu khẳng định ảnh hưởng toàn diện đến đa dạng sinh học của các đập thủy điện lớn tại các khu vực rừng nhiệt đới đất thấp còn chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ.
Đập lớn đang được coi là những công trình phục vụ phát triển bền vững mặc dù rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh các đập thủy điện không hề giúp giảm phát thải khí nhà kính như vẫn được khẳng định. Một trong những nghiên cứu đầu tiên chuyên sâu về các tác động của đập thuỷ điện tới đa dạng sinh học rừng nhiệt đới đã được tiến hành và kết quả vô cùng bất ngờ.
Tàn dư của rừng nhiệt đới dưới chân đập thủy điện (Ảnh: Horácio Fernandes/mongabay.com)
Theo TS. Maíra Benchimol, trưởng nhóm nghiên cứu, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng đập lớn làm sụt giảm nguồn thu từ thủy hải sản, gia tăng phát thải khí nhà kính và làm tăng thêm gánh nặng kinh tế xã hội đối với người dân địa phương. Nghiên cứu mới của nhóm, được công bố trên Tạp chí PLOS ONE (Public Library of Science), đã bổ sung bằng chứng về ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa dạng sinh học của các khu rừng khi các con đập lớn được xây dựng.
Nghiên cứu được thực hiện tại đập Balbina, có công suất 250 Megawatt, nằm trên sông Uatumã thuộc bang Amazonas, Brazil. Được hoàn thành vào cuối những năm 1980 với mục tiêu cung cấp điện cho Thành phố Manaus, dự án đã nhấn chìm 312.900 hecta rừng.
Việc xây dựng hồ Balbina, một trong những hồ chứa lớn nhất thế giới, đã biến vùng rừng nguyên sinh rộng lớn thành quần đảo nhân tạo gồm 3.546 đảo nhỏ. Các loài thủy sinh và lưỡng cư vốn đã thích nghi với hệ sinh thái sông đã bị tiêu diệt, các loài sống trên cạn cũng có số phận tương tự khi vùng đất thấp bị ngập nước và một diện tích rừng khổng lồ bị nhấn chìm.
Hồ thủy điện Furnas, công trình đập lớn đầu tiên tại Brazil hoàn thành vào năm 1963 đã nhấn chìm 1.473 ha rừng. Tấm ảnh mô tả hệ sinh thái tự nhiên bị chia rẽ ra sao bởi con đập này (Ảnh: NASA)
Không chỉ có vậy, các loài sống trên cạn và trên cây trong khu vực rừng cao hơn mực nước tối đa của hồ chứa cũng bị ảnh hưởng. Động vật có xương sống lớn sống hoàn toàn trên cạn hoặc trên các tán cây, bao gồm động vật có vú, các loài chim lớn và rùa đều biến mất khỏi hầu hết các đảo trên hồ Balbina. Gần 70% các loài có xương sống cỡ trung đến cỡ lớn được dự đoán là không thể tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Trong số 3.546 hòn đảo, chỉ có khoảng 25 đảo là đảm bảo điều kiện sống cho 80% số loài vốn có.
Tốc độ tuyệt chủng tại khu vực thật sự đáng kinh ngạc, và càng sửng sốt hơn khi vùng Balbina đã được bảo vệ nghiêm ngặt trong hơn 27 năm qua bởi tổ chức bảo tồn sinh học lớn nhất Brazil (Reserva Biológica do Uatumã, được thành lập vào năm 1990). Có nghĩa, tại những đảo không thuộc diện được bảo vệ, khả năng tồn tại của các loài sẽ còn thấp hơn nữa.
Nhóm nghiên cứu cho rằng kết quả trên sẽ buộc các nhà quy hoạch dự án đập lớn tăng các ước tính về mức độ ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học. Các dự án đập trong khu vực rừng nhiệt đới không chỉ làm giảm lượng carbon tích trữ trong cây rừng ở các khu vực bị ngập mà còn ở vùng rừng gần hồ chứa.
Không có thiệt hại đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng nào được kể trên, dù là từng bước hay đột ngột, được xem xét một cách thỏa đáng trong các Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) của các dự án đập thủy điện được đề xuất, mặc dù các báo cáo trên có thể được coi là tiến hành theo đúng nguyên tắc và công bằng.
Với các kế hoạch xây đập mới, hơn 10 triệu hecta rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil có nguy cơ vĩnh viễn chìm trong biển nước, kèm theo những ảnh hưởng trên diện rộng tới các vùng sinh vật trên cạn và thủy sinh. Đó là chưa kể tới tình trạng phá rừng để xây dựng hàng trăm đập thủy điện đang nằm trên kế hoạch hay đã bắt đầu tiến hành ở Peru, Ecuador và các quốc gia vùng Amazon khác.
Bức ảnh chụp từ trên cao của một con đập tại Costa Rica cho thấy hệ sinh thái bị chia rẽ, các loài cá không còn có thể di cư và rừng thì bị nhấn chìm dưới làn nước (Ảnh: Rhett Butler/mongabay.com)
Các lưu vực sông nhiệt đới từ Amazon cho tới Mê Kông, Congo gần đây đang là các điểm nóng của hoạt động xây đập. Trước kết quả nghiên cứu trên, cùng nhiều nghiên cứu sâu khác về tác động của đập thủy điện, các nhà chức trách Brazil sẽ phải đánh giá lại việc thúc đẩy các dự án đập lớn như một nguồn năng lượng xanh. Tác động tới đa dạng sinh học là cái giá đắt phải trả cho các con đập tại lưu vực sông Amazon, vậy mà hầu như vấn đề này không hề có trọng lượng trong quá trình ra quyết định về phát triển năng lượng tại Brazil. Chi phí xây dựng như nguyên vật liệu, nhân công,… mới là những yếu tố quyết định, bên cạnh những ảnh hưởng từ vận động chính trị và nạn tham nhũng đang dần được phơi bày ra ánh sáng.
Nhiều nghiên cứu trước đó cũng đã chứng minh khả năng giảm phát thải khí nhà kính của các đập thủy điện bị phóng đại quá mức, thậm chí lợi ích mang lại là không đáng kể so với chi phí xây đập. Ví dụ, đập Balbina đã nhấn chìm hơn 3.000 km2 trong biển nước và chỉ có thể cung cấp khoảng 10% nhu cầu năng lượng cho một thành phố lớn (Manaus). Nói cách khác, chính phủ Brazil cần phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng bền vững khác để phát triển nền kinh tế và đảm bảo sự phồn thịnh cho người dân.
Giải pháp cho vấn đề này là việc cấp giấy phép và phê duyệt các dự án đập mới phải dựa trên một quy trình Đánh giá Tác động Môi trường một cách kỹ lưỡng, đa chiều để thay đổi triệt để, giảm dần hay thậm chí ngăn hoàn toàn các đề án xây dựng đập mới. “Cần lập tức đánh giá lại chiến lược triển khai các dự án thủy điện lớn tại các khu vực như hạ nguồn Amazone. Những ảnh hưởng dài hạn tới đa dạng sinh học cũng cần được nêu rõ trong các đánh giá tác động môi trường trước khi dự án được phê duyệt,” nhóm tác giả khuyến nghị.
|