Số lượng quần thể các loài thú biển, chim, bò sát và cá đã giảm hơn một nửa trong bốn thập kỷ qua, trong đó, cá - nguồn thực phẩm quan trọng đối với con người đang có xu hướng giảm mạnh nhất.
Kết quả do Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) công bố ngày 16/9 sau khi khảo sát và nghiên cứu 5.829 quần thể của 1.234 loài trên.
Theo báo cáo của WWF, trong giai đoạn từ năm 1970-2010, số lượng quần thể cá đã giảm đáng kể chủ yếu do hoạt động đánh bắt cá bừa bãi, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Cá ngừ và cá thu có số lượng giảm nghiêm trọng, tới 74% trong 40 năm qua.
Tổng Giám đốc WWF Marco Lambertini cho rằng chính con người là tác nhân lớn nhất trực tiếp làm tổn hại nghiêm trọng đến đại dương, trong đó có việc đánh bắt cá nhanh hơn khả năng sinh sản của chúng.
Ngoài cá, các rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển - nguồn sống không chỉ của hơn 1/3 loài cá trong nghiên cứu trên, mà còn của khoảng 850 triệu người trên thế giới, cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Báo cáo trước đó của WWF cảnh báo hiện một nửa loài san hô trên thế giới đã bị phá hủy và với nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng ở mức hiện nay thì tới năm 2050, các rạn san hô có thể đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.
Trước thực trạng đáng báo động trên, WWF kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng chung tay hành động nhằm bảo vệ "sức khỏe" đại dương, đồng thời đảm bảo hai yếu tố khôi phục đại dương và hệ sinh thái bờ biển được đưa vào danh mục ưu tiên trong 15 năm tới khi các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, dự kiến được thông qua vào cuối tháng Chín này./.