Bảo tồn cây thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng

08/10/2015 9:29:15 SA

     Thủy tùng (thông nước) là loài đặc hữu của vùng cận nhiệt đới.  Hiện, trên thế giới có ba khu vực còn ghi nhận loài này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là nước có số lượng thủy tùng còn lại nhiều nhất, phân bố ở ba địa điểm gồm hồ Ea Răl, rừng đặc dụng Trấp Ksơr và thị xã Buôn Hồ của tỉnh Đắc Lắc.

     Thủy tùng có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, môi trường và có tên ghi trong Sách đỏ Việt Nam, được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, là một trong 10 loài thông được ưu tiên bảo tồn. 

     Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, Khu bảo tồn Ea Ral, thủy tùng chỉ còn 219 cây và Khu bảo tồn Trấp K’sor còn 31 cây. Quần thể cây nhỏ, cùng với mật độ thưa (40 - 50 cây/1.000 m2) nên cây không thể thụ phấn được, vì vậy hạt thủy tùng không thể nảy mầm, các quần thể thủy tùng đã và đang dần bị thoái hóa. 

 

 

     Các nhà khoa học cho biết, trong 35 năm qua, không thấy xuất hiện những cây non tái sinh hạt, mà chỉ có một vài cây tái sinh chồi. Mặt khác, phần lớn các cá thể thủy tùng đang già cỗi, sức sinh trưởng kém, cành lá thưa thớt. Hàng năm cây vẫn ra hoa, đậu quả nhưng đều cho hạt lép. Như vậy loài cây này đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng.

     Từ năm 2007 đến nay, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện Đề tài " Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài thủy tùng." Kết quả nghiên cứu cho thấy, thủy tùng nhân giống được bằng các phương pháp như “dâm hom,” “cấy mô” và “ghép gốc”. Trong đó, ghép gốc với cây có hệ di truyền gần giống thủy tùng cho kết quả khả quan nhất, với tỷ lệ sống hơn 70%, mầm ghép thủy tùng sinh trưởng, phát triển ổn định.

     Thành công bước đầu trong ghép chồi thủy tùng, chứng minh việc tạo ra các quần thể nhân tạo là điều không khó. Nếu trồng với số lượng đủ lớn, sinh cảnh phù hợp, thủy tùng hoàn toàn có khả năng tự thụ phấn, sinh sản bằng hạt. Vì vậy cần có một dự án quy mô lớn cả về tài chính, con người, khoa học-kỹ thuật để nhân rộng thủy tùng ở địa phương.

 

Sơn Tùng

Bản in