Tổng kết dự án về lồng ghép cân nhắc đa dạng sinh học vào hệ thống an toàn môi trường của Việt Nam

03/11/2015 9:10:39 SA

Ngày 30/10, trong khuôn khổ hoạt động phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á về “Tăng cường hệ thống an toàn môi trường quốc gia, lồng ghép cân nhắc đa dạng sinh học vào hệ thống an toàn môi trường của Việt Nam”, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo tổng kết và giới thiệu sản phẩm của hoạt động này.
TS. Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam, các viện nghiên cứu, trường đại học, Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Đại sứ quán Phần Lan, Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản và Đức, nhóm chuyên gia của dự án.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho biết Luật Bảo vệ môi trường quy định đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là những công cụ quan trọng để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch và triển khai các hoạt động đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác ĐMC và ĐTM vẫn còn tồn tại một số thiếu sót, đặc biệt là các yếu tố đa dạng sinh học (ĐDSH) chưa được đánh giá đầy đủ, dẫn đến việc giảm thiểu và quản lý tác động xấu không hiệu quả và ĐDSH tiếp tục bị suy thoái. Thực tiễn đã có nhiều bài học đáng ghi nhớ về việc đa dạng sinh học bị tổn thất lớn, thậm chí bị mất đi tại một số nơi do các hoạt động phát triển thủy điện, co sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém nêu trên như thiếu cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, năng lực thực hiện đánh giá tác động ĐDSH của các đội ngũ chuyên gia tư vấn về đa dạng sinh học, ĐTM chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, ... Trong đó, một trong những nguyên nhân cơ bản là do nhận thức và ý thức xã hội, đặc biệt là của chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đầu tư về đánh giá tác động ĐDSH chưa cao. Do vậy rất cần có các hướng dẫn cụ thể về đánh giá tác động ĐDSH trong ĐTM, đồng thời luật hóa các quy định này trong các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường sự tham gia mạnh mẽ của người dân, công chúng trong việc kiểm tra, giám sát tác động đến đa dạng sinh học của các dự án phát triển.
Từ tháng 9/2014, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ Tổng cục Môi trường triển khai dự án về lồng ghép cân nhắc đa dạng sinh học vào hệ thống an toàn môi trường. Thông qua dự án, hệ thống an toàn môi trường quốc gia đã được cải thiện thông qua việc đánh giá đa dạng sinh học lồng ghép với đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động đa dạng sinh học và lộ trình bồi hoàn đa dạng sinh học; tăng cường năng lực của các cơ quan có liên quan về đánh giá tác động đa dạng sinh học - ông Rustam Ishenaliev, Trưởng bộ phận quản lý dự án của ADB cho biết.
 
 Ông Rustam Ishenaliev, Trưởng bộ phận quản lý dự án của ADB
  
Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe trình bày về những sản phẩm quan trọng của dự án bao gồm các hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động đa dạng sinh học lồng ghép trong quy trình ĐTM, lộ trình bồi hoàn đa dạng sinh học. Theo đó, việc đánh giá tác động đa dạng sinh học trong từng bước ĐTM gồm sáu bước: sàng lọc; xác định phạm vi; mô tả hiện trạng nền; dự báo và đánh giá tác động; giảm thiểu, quản lý và tăng cường tác động đa dạng sinh học; xây dựng chương trình giám sát và quản lý đa dạng sinh học. Hướng dẫn cũng đưa ra một số công cụ, nguồn dữ liệu và danh sách một số cơ quan, tổ chức có khả năng thực hiện đánh giá tác động đa dạng sinh học, xây dựng kế hoạch quản lý đa dạng sinh học và giám sát. Để xây dựng lộ trình bồi hoàn đa dạng sinh học tại Việt Nam, một số nghiên cứu về phương pháp bồi hoàn và cơ chế tài chính sẽ được triển khai như phân loại hệ sinh thái, lựa chọn các loài chỉ thị, đánh giá điều kiện khu vực sống, xác định tiêu chí để đánh giá bồi hoàn …
Cại biểu đều đánh giá tài liệu hướng dẫn có sự chuẩn bị tốt, nội dung có chất lượng cao, là “tài liệu quý”, đặc biệt chưa từng có từ trước đến nay. Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm dự án như: đề nghị ADB tiếp tục hỗ trợ để đánh giá tính dễ tồn thương của các loài, cần có quy định pháp luật cụ thể cho việc bồi hoàn đa dạng sinh học, cần xây dựng chương trình tăng cường năng lực cho các chuyên gia về đa dạng sinh học và truyền thồng, nên đưa hướng dẫn này vào các khóa học, chương trình đào tạo về đánh giá tác động môi và cấp chứng chỉ, đảm bảo các nhà ĐTM có thể đánh giá được mọi yếu tố liên quan trong đó có đa dạng sinh học …
Kết luận Hội thảo, thống nhất ý kiến với các đại biểu, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho rằng đánh giá tác động đa dạng sinh học lồng ghép trong quy trình ĐTM và lộ trình bồi hoàn đa dạng sinh học là những vấn đề mới và cần thiết, tuy nhiên còn nhiều điều chưa được hiểu thấu đáo. Tổng cục Môi trường mong muốn có sự hỗ trợ của ADB và các tổ chức khác để có thể kiểm nghiệm, đánh giá những điều trong cuốn sách này do Hướng dẫn này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quốc tế, còn nhiều khoảng cách với thực tế tại Việt Nam. Song song với việc xây dựng mô hình, Tổng cục Môi trường nhận thấy các hoạt động liên quan đến nâng cao nhận thức về lồng ghép đánh giá tác động đa dạng sinh học lồng ghép trong quy trình ĐTM và nội dung liên quan đến bồi hoàn đa dạng sinh học là cần thiết. Bên cạnh đó cũng rất cần tăng cường năng lực cho các tổ chức quản lý và các chuyên gia.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho rằng những nội dung được xây dựng ở hội thảo này cần thiết được Luật hóa từng bước, Tổng cục Môi trường dự kiến sẽ báo cáo kết quả này lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề xuất Bộ đưa vào chương trình xem xét xây dựng Luật bổ sung, cụ thể là một Thông tư hướng dẫn.
Nhân dịp này, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cảm ơn sự tham gia, góp ý nhiệt tình của các đại biểu và nhấn mạnh Hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động đa dạng sinh học lồng ghép trong quy trình ĐTM là rất quan trọng và hữu ích cho công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý đa dạng sinh học nói riêng. Hướng dẫn này sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà đầu tư và các nhà tư vấn trong quá trình xây dựng ĐTM.
Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đại biểu đóng góp thêm ý kiến và kêu gọi sự hỗ trợ các cơ quan quốc tế để giúp Tổng cục Môi trường tiếp tục hoàn thiện Hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động đa dạng sinh học lồng ghép trong quy trình ĐTM và Dự thảo Lộ trình bồi hoàn đa dạng sinh học thông qua việc xây dựng những mô hình thí điểm, và tổ chức những hội thảo tiếp theo. 
Sản phẩm dự án “Hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường” sẽ được chuyển tới các cơ quan có liên quan và đăng tải trên trang web làm tài liệu tham khảo của toàn bộ hệ thống an toàn môi trường quốc gia (mời xem và tải Hướng dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại đây).
 
 
Quỳnh Anh
(VEA)
Bản in