Nước đến chân, khó nhảy

24/11/2015 9:15:57 SA
Tiếng chuông cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu đã được gióng lên trên thế giới từ hơn một thập kỷ nay và ngày càng trở nên khẩn cấp, giục giã hơn.

Tiếng chuông cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu đã được gióng lên trên thế giới từ hơn một thập kỷ nay và ngày càng trở nên khẩn cấp, giục giã hơn. Hậu quả của nó đã và đang hiển hiện rõ rệt với những biến đổi bất thường, khó lường, ngay cả ở Việt Nam. 

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thiệt hại nằm ở ngay trước mắt chứ không phải chờ đợi tương lai gần hay xa. Hạn hán khốc liệt trên diện rộng, sông, hồ, thủy điện trơ đáy, ngập mặn xâm lấn, tấn công các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hàng chục cây số...



Trái đất nóng lên 1 độ, nước biển dâng cao 1 mét, sóng thần, siêu bão... không còn là dự báo của các chuyên gia thế giới mà nó đã và đang diễn ra. Nguyên nhân sâu xa và trực tiếp cũng đã chỉ ra là do con người, từ hiệu ứng nhà kính, phá rừng, gây ô nhiễm môi trường cho tới những hành vi nhỏ nhất thường ngày. 

Ở nước ta đã có không ít các cuộc hội nghị, hội thảo, bàn tròn “mổ xẻ” hệ lụy và hậu quả của biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia cũng đã thẳng thắn chỉ ra “thủ phạm” chính là những doanh nghiệp, công ty xả thẳng nước thải, chất thải ra môi trường hoặc đầu độc các nguồn nước ngầm, nước mặt.

Nạn khai thác quặng trái phép không chỉ tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước tự nhiên. Hàng trăm ao, hồ, kênh, rạch đã bị lấp nhường chỗ cho các siêu thị, cao ốc, trung tâm thương mại để rồi sau đó chính nước thải, nước mưa cộng với triều cường sẽ nhấn chìm tất cả. 

Tại cuộc hội thảo và triển lãm quốc tế “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động” vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam tự xác định là quốc gia thiếu nước, đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước.

Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước sạch nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, tiết kiệm nguồn nước, đặc biệt là phòng chống tác hại của biến đổi khí hậu. 

Một chuyên gia nước ngoài dẫn ra câu nói phản ánh sự thật trần trụi đã diễn ra ở nhiều nước: “Khi cái cây cuối cùng bị chặt, con cá cuối cùng bị chết, dòng sông cuối cùng bị đầu độc, thì sẽ quá muộn để người ta nhận ra rằng, thịnh vượng, tăng trưởng không chỉ là GDP”.

Biến đổi khí hậu đã ập vào nước ra từng ngày, từng giờ. Các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và mỗi người dân dường như vẫn còn “lờ mờ” chưa nhận ra rằng, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.228 USD, gần gấp đôi con số 1.168 USD của năm 2010, song chất lượng không khí, nước sạch, chất lượng sống lại có chiều hướng sụt giảm đáng lo ngại. 

Đây chính là những “tác nhân” làm cho hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Đừng để nước ngập tới chân, khi đó sẽ không còn nơi để nhảy.

Theo An Ninh Thủ Đô
Bản in