Ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

26/04/2017 3:39:25 CH

        Ngày 25/4/2017, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Quỹ Hanns Seidel, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” tại Hà Nội với sự tham dự của một số đại biểu quốc hội, đại diện một số bộ ngành, đơn vị và chuyên gia môi trường.

           Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nổi cộm đối với môi trường tại một số đô thị lớn, khu vực sản xuất công nghiệp và làng nghề ở nước ta hiện nay. Ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những vấn đề môi trường nóng, nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội và được xem là một trong những tác nhân quan trọng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, tổ chức hội thảo là việc làm cần thiết để đưa ra những đánh giá sát thực và nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam, góp phần giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe cũng như ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu.

         Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các nhà quản lý, chuyên gia trình bày những vấn đề về ô nhiễm không khí; hiện trạng chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam; nguyên nhân gây ô nhiễm không khí; tác động của ô nhiễm môi trường không khí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng; thực trạng công tác quản lý nhà nước về môi trường không khí; đồng thời khuyến nghị một số giải pháp đồng bộ và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quản lý môi trường không khí.

             Đánh giá về thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thùy – Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường đã có báo cáo tham luận tại Hội thảo. Theo đó, chất lượng môi trường không khí chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn trước, trong đó ô nhiễm bụi là vấn đề nổi cộm nhất; môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn tiếp tục bị ô nhiễm do các hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng… điển hình là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; tình trạng ô nhiễm tại một số khu công nghiệp, làng nghề, bãi rác gây bức xúc cho xã hội. Diễn biến ô nhiễm không khí ở nước ta chịu sự chi phối bởi yếu tố địa lý, các nguồn thải và biến động theo một số quy luật thời tiết. Điều này thể hiện ở sự phân hóa chất lượng không khí giữa các vùng miền. Tại miền Bắc, chất lượng không khí bị ảnh hưởng bởi yếu tố gió mùa. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy, vào mùa đông, môi trường không khí có khả năng chịu sự tác động bởi những nguồn thải từ khu vực phía Bắc theo gió mùa Đông Bắc chuyển về khiến cho nồng độ bụi tăng cao. Tại khu vực miền Trung, không có sự biến động lớn trong khi ở miền Nam, chất lượng không khí có sự phân hóa rõ rệt theo 2 mùa, trong đó mức độ ô nhiễm mùa khô cao hơn mùa mưa. Một số vấn đề ô nhiễm liên quốc gia như ô nhiễm xuyên biên giới, lắng đọng axit, sương mù quang hóa cũng đã được đề cập và cần lưu ý trong thời gian tới.

           Thảo luận về công tác quản lý môi trường không khí, các đại biểu nhận định rằng Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong kiểm soát ô nhiễm không khí, hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí còn hạn chế; vai trò quản lý còn phân tán ở nhiều bộ ngành nên chưa thống nhất; mạng lưới quan trắc còn mỏng chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động kiểm kê khí thải chưa được triển khai đồng bộ ở cả cấp trung ương và địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nguồn thải chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

           Với hiện trạng chất lượng môi trường không khí và thực trạng công tác quản lý ở Việt Nam hiện nay, cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ bao gồm: hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, cần thiết xây dựng một đạo luật về kiểm soát ô nhiễm không khí với các quy định chi tiết; tăng cường công tác quản lý như hoàn thiện hệ thống tổ chức, phân công rõ ràng trách nhiệm, chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng; bố trí nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường không khí từ các nguồn xã hội hóa, tiếp cận đồng lợi ích; nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế để giải quyết những bất cập về vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay.

            Hội thảo diễn ra thành công, cung cấp thông tin tham khảo cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và xem xét thông qua những quyết sách quan trọng liên quan đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu; đồng thời cung cấp thông tin cập nhật tới các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, phục vụ cho quá trình nghiên cứu và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường không khí nói riêng.

            Một số hình ảnh tại hội thảo:




Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu khai mạc


 

Ông Nguyễn Văn Thùy - Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường trình bày tham luận



Toàn cảnh Hội thảo


Nguyễn Trang, Trung tâm Quan trắc môi trường


Bản in