Hình ảnh: một số thành phố lớn tại châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi khí thải từ các phương tiện giao thông có động cơ đốt trong
Hiện nay, một số thành phố lớn tại châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi khí thải từ các phương tiện giao thông có động cơ đốt trong (bao gồm động cơ chạy xăng và dầu diesel), đặc biệt những thành phố lớn hay diễn ra ùn tắc giao thông, hay các khu vực sản xuất sử dụng nguyên liệu là than đá, các vùng công nghiệp bị bao quanh bởi núi cao - Đó là các điểm nóng về ô nhiễm không khí tại Châu Âu. Ô nhiễm không khí tại các khu vực này có thể dễ dàng nhận thấy vào hầu hết các ngày trong tuần.
Trên khắp lục địa này, hàng chục triệu người đang sống và làm việc tại những khu vực có nồng độ các chất ô nhiễm vượt quá giới hạn tối đa do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Tuy nhiên, nồng độ và các thông số ô nhiễm có thể khác nhau giữa các vùng, hoặc giữa các khu vực trong cùng một thành phố cũng có sự khác biệt, phụ thuộc vào nơi đó gần có gần các đường giao thông lớn hay có nhiều cây xanh hay không.
Vì sự khác biệt đó nên khó có thể nói thành phố nào của châu Âu có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất. Tuy nhiên có thể nhận diện các điểm nóng ô nhiễm và xếp hạng các đô thị theo một chất ô nhiễm xác định.
Thung lũng Po của Ý
Theo bản đồ ô nhiễm do cơ quan môi trường châu Âu (EEA) đưa ra, vùng thung lũng Po tại Ý bị bao phủ bởi ô nhiễm không khí ở mức độ khá rộng, từ biển Ligurian ở phía tây đến biển Adriatic và bị chặn bởi dãy núi Alps ở phía Bắc. Nhiều thành phố tại Thung lũng Po có nồng độ PM2.5 thuộc hàng cao nhất tại Châu Âu.
Theo hướng dẫn của WHO, nồng độ PM2.5 trung bình năm không được vượt quá 10µg/m3. Mức giới hạn Tiêu chuẩn châu Âu của PM2.5 là 25µg/m3 và có nhiều thành phố tại đây vượt quá giới hạn này.
Bụi PM2.5 là nguyên nhân hàng đầu gây ra từ vong sớm ở châu Âu, với khoảng 391.000 người vào năm 2016, và chỉ riêng ở Ý là 60.000 người.
Trong khi đó, Turin và Milan là những thành phố bị ảnh hưởng bởi nồng độ cao của khí O3 và NO2, chủ yếu sinh ra từ động cơ đốt trong chạy xăng và dầu diesel.
Theo báo cáo Chỉ số chất lượng không khí đưa ra bởi Viện chính sách và năng lượng – Đại học Chicago, những người sống ở Thung lũng Po có nguy cơ bị giảm nửa năm tuổi thọ.
Ba Lan – Đất nước của than đá
Một điểm đen khác trên bản đồ ô nhiễm không khí của châu Âu là miền nam Ba Lan với rất nhiều nhà máy nhiệt điện than và đốt gỗ. Đối với thông số PM2.5, Krakow là thành phố ô nhiễm thứ 2 tại châu lục này, với nồng độ trung bình năm là 38µg/m3, xếp ngay sau đó là thành phố Katowice (theo số liệu năm 2016). Để so sánh, một số thành phố tại Ấn Độ và Trung Quốc có mức độ ô nhiễm cao gấp 3 lần như vậy.
Số liệu năm 2016 đưa ra bởi Cơ quan môi trường châu Âu cho thấy tại Krakow và Katowice, nồng độ NO2 và O3 cũng vượt giới hạn của Tiêu chuẩn WHO. Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn của WHO thì người dân ở đây có thể tăng tuổi thọ thêm 1,5 năm.
Các thành phố lớn khác
Hầu hết các thành phố lớn của Châu Âu đều đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí (theo mùa hoặc thường xuyên cả năm) do khí thải của các phương tiện giao thông không chạy điện. Theo tổ chức Greenpeace, năm 2018, thành phố Sofia của Bungari có mức độ ô nhiễm PM2.5 cao nhất toàn châu Âu và đứng thứ 21 trong số các thành phố trên thế giới.
Theo bảng xếp hạng của Greenpeace – được xác nhận bởi các số liệu của EEA năm 2016 – Các thành phố bị ô nhiễm không khí bao gồm: Warsaw, Bucharest, Nicosia, Prague, Bratislava, Budapest, Paris và Vienna. Theo các chuyên gia, số lượng lớn các thành phố bị ô nhiễm không khí ở trung tâm châu Âu có liên quan trực tiếp đến việc tiếp tục sử dụng than để sản xuất điện.
Tại Tây Âu, cũng có nhiều thành phố có nồng độ NO2 vượt quá giới hạn của Tiêu chuẩn châu Âu. London là thành phố đứng đầu danh sách này, với nồng độ trung bình năm là 89 µg/m3 tiếp theo là Paris (83 µg/m3), Stuttgart (82 µg/m3), Munich (80 µg/m3), Marseille (79 µg/m3), Lyon (71 µg/m3), Athens (70 µg/m3) và Rome ( 65 µg/m3).
Nam Âu
Ngay tại Nam Âu, nơi các chất ô nhiễm thường bị gió phát tán nhanh, nhiều khu vực cũng không tránh khỏi ô nhiễm không khí, đáng chú ý nhất là O3, chất ô nhiễm thứ cấp do phản ứng quanh hóa của NOx và các chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). Mức độ ô nhiễm cao nhất tại khu vực Địa Trung Hải thường diễn ra vào mùa xuân và mùa hè, thời gian mà hàng trăm ngàn người từ nơi khác đến nghỉ dưỡng.
Vương Như Luận - Dịch từ “Air pollution hotspots in Europe”Amélie BOTTOLLIER-DEPOIS, AFP•March 31, 2019
|