Vì vậy, nông dân sử dụng thuốc trừ sâu với nồng độ ngày càng cao sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho con người và các động vật khác, đồng thời tác động mạnh đến hệ sinh thái và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng. Để giảm thiểu thiệt hại này, việc tiến hành cuộc cách mạng xanh lần thứ 2, ứng dụng công nghệ sinh học vào cây trồng biến đổi gen là giải pháp được nhiều nhà khoa học đưa ra.
Ảnh minh họa
An toàn cho môi trường và con người
TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 1996, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (GMO) được phát triển rộng rãi tại nước Mỹ. GMO giúp giải quyết tình trạng thiếu lương thực trên thế giới và thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách tăng năng suất và an ninh lương thực, giảm chi phí đầu vào, giúp xóa đói giảm nghèo và phòng chống suy dinh dưỡng. Đến cuối năm 2011, hơn 16 triệu nông dân của 29 quốc gia trên thế giới đã trồng 160 triệu ha cây trồng sử dụng công nghệ sinh học, chiếm 9% tổng diện tích đất trồng trên toàn thế giới. Trong đó, 2/3 số quốc gia này là các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, 32 quốc gia khác nhập khẩu những sản phẩm GMO, điển hình như ngô, đậu tương, cải dầu, đậu nành, cà tím… để sử dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.
Theo TS. Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.Hồ Chí Minh, cây chuyển gen kháng sâu mang lại nhiều lợi ích hơn cây bình thường đó là Bt toxin trong gen kháng sâu được sản sinh ra liên tục trong cây, bảo vệ cây bất cứ lúc nào. Bt toxin chỉ biểu hiện trong cây cho nên chỉ sâu nào ăn cây mới bị tác động. Không những vậy, gen này không gây ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái. Đối với cây trồng chuyển gen Bt, lượng đạm (protein) của cây đạt 99%, đạm này có thể phân hủy kháng sinh hoặc phân hủy thuốc diệt cỏ, bộ gen của cây có khả năng mã hóa cho enzyme phân hủy thuốc diệt cỏ, đặc hiệu cho từng loại sâu. Qua thí nghiệm lâm sàng, người ăn gián tiếp sản phẩm GMO dài ngày 1000mg/ngày không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Theo kiểm chứng của các nhà khoa học Mỹ, người Mỹ đã sử dụng sản phẩm này trong thời gian dài, gần 16 năm, nhưng chưa phát hiện một dấu hiệu nào gây hại cho sức khỏe con người. Loại trừ yếu tố làm thực phẩm trực tiếp cho con người, đây là hướng đi tiến bộ của khoa học. Chúng ta sử dụng sản phẩm thịt, chính là sử dụng loại đạm (protein) của GMO, không phải “ăn” gen GMO. Loại gen này chỉ phát huy tác dụng gây độc trong môi trường kiềm tính. Dạ dày và ruột con người và động vật là môi trường axid, vì vậy chất độc hại do gen gây ra bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Hơn nữa, đối với môi trường, khi người dân hạn chế sử dụng nguồn phân, thuốc bảo vệ thực vật sẽ góp phần làm giảm thoái hóa đất, tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch đối với ứng dụng thuốc trừ sâu, giảm phát khí thải CO2 thông qua giảm cày xới, giảm sử dụng nước với các cây trồng chịu hạn, giảm bạc màu cho đất.
Với cây GMO, nông dân có thể vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh học, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất. Các dịch vụ sinh học trong đất, trong môi trường bị phá hủy do thâm canh, dùng quá nhiều hóa chất. Từ đó cho thấy cây GMO có lợi nhiều hơn là mang lại tác hại. Đến nay, GMO đã đóng góp 77% sản lượng đậu nành toàn cầu, 49% sản lượng bông toàn cầu và 26% sản lượng ngô toàn cầu.
Hiệu quả kinh tế cao
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 17.700 trang trại chăn nuôi. Do đó việc cung cấp thức ăn công nghiệp rất quan trọng. Mỗi năm Việt Nam phải nhập từ 6-7 triệu tấn ngô và đậu nành để sản xuất thức ăn gia súc, cung cấp sản phẩm thịt cho con người, ước tính chiếm 3,7 tỷ USD. Vì vậy, Việt Nam đã gián tiếp sử dụng sản phẩm GMO thông qua sản phẩm thịt từ gia súc, gia cầm của các trang trại chăn nuôi. Cũng theo TS Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.Hồ Chí Minh: Chúng ta cần tính đến phát triển cây trồng GMO, trước hết vì lợi ích kinh tế của nông dân, nâng cao thu nhập từ cây trồng, vừa giảm chi phí nhập khẩu hàng năm. Việt Nam đang cần nguồn nguyên liệu lớn để chế biến thức ăn chăn nuôi. Nếu chúng ta không cải tiến kỹ thuật cây trồng, nguồn nguyên liệu trong nước sẽ không đủ cung cấp; việc phải nhập khẩu những sản phẩm này là tất yếu. Do đó, chúng ta cần áp dụng mạnh và rộng để đưa lợi ích của nông dân lên cao hơn. Nông dân giảm chi phí sản xuất, không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, không sử dụng nhiều phân vô cơ cho cây trồng mà năng suất lại cao hơn, có thể gấp đôi so với cây trồng bình thường. Hiện tại, chỉ có 4 loại cây trồng biến đổi gen được phép trồng thử nghiệm tại Việt Nam là bông vải, ngô, đậu tương và cải dầu. Nếu cho phép trồng những loại cây này, nông dân thu lợi ít nhất từ 100 - 200 USD/ha, mà doanh nghiệp cũng không phải nhập sản phẩm biến đổi gen từ các nước khác.
Ông Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam cho rằng, những rủi ro mà GMO gây ra cho con người mà chúng ta thường nhắc đến thường là do chúng ta tưởng tượng. Chính dư luận này đã gây bất lợi không nhỏ cho quá trình phát triển của GMO. Khi so sánh hai cây, một cây phải phun thuốc trừ sâu, chất độc hại còn bám dính trên cây, trên trái, lại gây ô nhiễm môi trường và một cây GMO, chúng ta sẽ nhận ra cây nào mang đến lợi ích cho con người hơn. Việc sản xuất loại cây GMO lại chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, dân số thế giới đang tiếp tục tăng. Việt Nam tăng bình quân 1 triệu người/năm. Trong khi đó, đất nông nghiệp Việt Nam ngày càng giảm, trong thời gian tới, quy hoạch đất trồng lúa chỉ còn 3,8 triệu ha. Nếu chúng ta không có giải pháp nào để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Biến đổi khí hậu toàn cầu, khô hạn, thiếu nước, nhiệt độ nóng lên làm cho cây không thụ phấn được dẫn đến lép hạt. Như vậy chỉ có con đường cách mạng xanh, ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống chống chịu với biến đổi khí hậu toàn cầu, thích ứng với môi trường sinh thái.