Hiện trạng ô nhễm bụi PM2.5 trên toàn cầu Giới thiệu
Sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nhiều bởi chất lượng không khí mà chúng ta đang thở. Chất lượng không khí kém dẫn đến các bệnh về tim mạch và hô hấp, làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như hen suyễn, đồng thời làm suy giảm chất lượng cuộc sống và làm giảm tuổi thọ. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến mọi đối tượng và mọi người dân ở tất cả các khu vực trên thế giới. Nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đã khẳng định rất nhiều tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người và hiện nay các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về những tác hại này.
Báo cáo chất lượng không khí toàn cầu 2019 – State of Global Air 2019 vừa được công bố bởi Health Effects Institute – HEI và Institute for Health Metrics and Evaluation - IHME cho thấy ô nhiễm bụi PM2.5 đang là một trong những vấn đề cần được quan tâm ở quy mô toàn thế giới.
Ô nhiễm bụi PM2.5
Theo hướng dẫn (tiêu chuẩn) của WHO thì nồng độ PM2.5 trung bình năm dưới 10µg/m3 sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên do nhiều khu vực trên thế giới không thể đáp ứng theo tiêu chuẩn này, nên WHO cũng đưa ra ba mục tiêu chất lượng không khí theo mức độ giảm dần để các quốc gia có thể tạm thời áp dụng theo điều kiện của mỗi quôc gia như sau: Mục tiêu 1 (≤35µg/m3), Mục tiêu 2 (≤25µg/m3) và Mục tiêu 3 (≤15µg/m3).
Nồng độ PM2.5 có sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực trên thế giới. Năm 2017, nồng độ PM2.5 trung bình năm cao nhất là ở Nam Á, trong đó bao gồm: Nepal (100µg/m3), Ấn Độ (91µg/m3), Bangladesh (61µg/m3) và Pakistan (58µg/m3). Nồng độ PM2.5 tại của Bhutan (38µg/m3) là thấp nhất trong khu vực nhưng vẫn cao hơn Mục tiêu 1 của WHO . Khu vực có nồng độ PM2.5 cao thứ hai là khu vực tây Sahara (Châu Phi), các quốc gia: Niger (94µg/m3), Cameroon (73µg/m3), Nigeria (72µg/m3), Chad (66µg/m3) và Mauritania (47µg/m3) có nồng độ PM2.5 cao nhất trong khu vực. Các quốc gia ở Bắc Phi và Trung Đông có nồng độ PM2.5 tương đương nhau, ví dụ như Qatar (91µg/m3), Ả Rập Saudi (88µg/m3), Ai Cập (87µg/m3), Bahrain (71µg/m3), Iraq (62µg/m3) và Kuwait (61µg/m3). Tại khu vực Đông Á, Trung Quốc có nồng độ PM2.5 cao nhất (53µg/m3), trong khi đó Triều Tiên và Đài Loan có nồng độ PM2.5 tương ứng là 32 và 23 µg/m3.
Theo báo cáo này, Việt Nam có nồng độ PM2.5 trung bình năm 2017 là 30 µg/m3, nằm ở nhóm nước đạt mục tiêu 1 và vượt so với Mục tiêu 2 của WHO. Nồng độ PM2.5 trung bình năm của Việt Nam có xu hướng giảm từ năm 2010 đến năm 2016.
10 quốc gia có nồng độ PM2.5 trung bình năm thấp nhất là Maldives, Hoa Kỳ, Na Uy, Estonia, Iceland, Canada, Thụy Điển, New Zealand, Brunei và Phần Lan.
Hình 1: Nồng độ PM2.5 trung bình năm toàn cầu năm 2017
Hình 2: Nồng độ PM2.5 trung bình năm tại Việt Nam
Các nguồn phát sinh PM2.5 khác nhau giữa các quốc gia, cũng như giữa các khu vực trên thế giới. Bụi từ sa mạc Sahara góp phần lớn vào nồng độ PM2.5 cao ở Bắc Phi, Trung Đông, và một số khu vực phía tây Sahara. Trong khi đó, theo phân tích của HEI, các nguồn PM2.5 chính ở Ấn Độ bao gồm đốt nhiên liệu rắn trong gia đình; bụi từ xây dựng, đường giao thông; đốt than trong công nghiệp và nhiệt điện; sản xuất gạch; từ khí thải các phương tiện giao thông. Tại Trung Quốc, các nguồn PM2.5 có sự khác nhau giữa các khu vực, tại một số khu vực các nguồn chính là đốt than trong công nghiệp và nhiệt điện; tại một số khu vực khác thì nguồn ô nhiễm chính lại đến từ khí thải của các phương tiện giao thông, đốt than để đun nấu và sưởi ấm.
Các khu vực có nồng độ PM2.5 vượt quá mức hướng dẫn của WHO (10µg/m3)
Theo Báo cáo chất lượng không khí toàn cầu, năm 2017, 92% dân số thế giới sống ở những khu vực có nồng độ PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn của WHO; 54% sống trong các khu vực vượt quá Mục tiêu 1; 67% sống ở những khu vực vượt quá Mục tiêu 2 và 82% sống ở những khu vực vượt quá Mục tiêu 3.
Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ phần trăm dân số thế giới sống ở các khu vực vượt quá mức Hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO (10µg/m3) đã giảm nhẹ, từ 96% năm 1990 xuống còn 92% vào năm 2017. Đồng thời, tỷ lệ dân số thế giới sống ở những khu vực không đáp ứng được Mục tiêu 1 (35µg/m3) vẫn ổn định ở mức khoảng 54%. Trong những năm qua, cải thiện về chất lượng không khí là không đồng đều giữa các quốc gia khác nhau.
Sự cải thiện chất lượng không khí đáng chú ý nhất là ở Hoa Kỳ, trong đó tỷ lệ người sống ở các khu vực có PM2.5 vượt quá hướng dẫn của WHO đã giảm từ 50% vào năm 1990 xuống còn 40% vào năm 2010 và chỉ còn 3% vào năm 2017. Tại Brazil, từ năm 2010 đến 207, tỷ lệ dân số sống ở các khu vực mà PM2.5 cao hơn mức Hướng dẫn của WHO đã giảm gần 23% xuống còn 68%. Đối với EU và Nhật Bản, cũng từ năm 2010 đến 2017, tỉ lệ này đã giảm 14%, tuy nhiên cả hai vẫn có khoảng 80% dân số sống ở các khu vực cao hơn hướng dẫn của WHO trong năm 2017. Các quốc gia còn lại tỷ lệ dân số sống ở các khu vực vượt quá hướng dẫn của WHO dao động từ 92% ở Nga đến 100% ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan và Bangladesh.
Hình 3: Tỉ lệ dân số sống trong các khu vực có PM2.5 vượt quá mức hướng dẫn của WHO
Các khu vực có nồng độ PM2.5 vượt quá Mục tiêu 1 của WHO (35 µg/m3)
Các quốc gia có nồng độ PM2.5 cao hơn Mục tiêu 1 chủ yếu ở khu vực châu Á. Ở Bangladesh và Pakistan, toàn bộ dân số của các nước này vẫn tiếp xúc với nồng độ PM2.5 cao hơn Mục tiêu 1 kể từ năm 1990 đến nay. Ấn Độ, Nigeria và Trung Quốc tỷ lệ dân số sống tại các khu vực có PM2.5 cao hơn Mục tiêu 1 đang có xu hướng giảm dần. Đến năm 2017, Trung Quốc có tỷ lệ dân số sống ở các các khu vực nồng độ PM2.5 cao hơn Mục tiêu 1 là 81%.
Cũng theo báo cáo này, các quốc gia kém phát triển có chất lượng không khí kém hơn so với các quốc gia phát triển, với nồng độ PM2.5 cao gấp bốn đến năm lần so với các nước phát triển
Kết luận
Chất lượng không khí vẫn đang là mối đe dọa đối với sức khỏe con người trên trái đất này. Trong năm 2017, có đến 92% dân số thế giới sống trong những khu vực có nồng độ bụi PM2.5 vượt quá hướng dẫn của WHO, 54% sống ở những khu vực có nồng độ PM2.5 vượt quá Mục tiêu 1 (mục tiêu ít ngặt nghèo nhất của WHO). Các khu vực trên thế giới có nồng độ PM2.5 cao nhất bao gồm Nam Á và vùng Châu phi cận Sahara. Có một điểm sáng đáng ghi nhận đó là nồng độ PM2.5 đã giảm tại Trung Quốc, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nồng độ PM2.5 tại đây cũng như các khu vực khác trên thế giới đáp ứng được mức hướng dẫn của WHO.
CEM |