25/08/2014 4:22:28 CH

 

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống trạm Quốc gia quan trắc tự động môi trường không khí.

Trong những thập niên gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách mà mọi quốc gia, mọi tổ chức quốc tế phải quan tâm giải quyết. Một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý môi trường là quan trắc chất lượng môi trường. Hoạt động quan trắc môi trường tại các quốc gia được thực hiện theo các phương pháp khác nhau (quan trắc thủ công truyền thống, quan trắc tự động, sử dụng các thiết bị đo nhanh,…), tùy thuộc vào điều kiện kinh tế -  xã hội và mức độ phát triển khoa học kỹ thuật của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, quan trắc tự động vẫn là phương pháp quan trắc hiệu quả nhất đang được các quốc gia hướng tới áp dụng. Ưu điểm của phương pháp quan trắc tự động là đưa ra được chuỗi số liệu quan trắc kịp thời, chính xác và liên tục mà chưa có phương pháp nào đạt được.

Hiện nay ở Việt Nam, bên cạnh các hoạt động quan trắc thủ công thì hoạt động quan trắc tự động ngày càng được quan tâm phát triển. Đối với môi trường không khí, mạng lưới các Trạm quan trắc tự động, cố định trên phạm vi cả nước ngày càng mở rộng. Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường thiết bị tự động quan trắc môi trường không khí và nước” theo Quyết định số 1698/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số 1073/QĐ-BTNMT ngày 11 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, 07 trạm quan trắc môi trường không khí tự động đã được đầu tư, xây dựng nhằm tăng cường công tác giám sát ô nhiễm và quản lý môi trường quốc gia.

           Từ năm 2009 đến 2013, 07 Trạm quan trắc tự động môi trường không khí (sau đây được gọi tắt là Trạm khí) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư, lắp đặt tại 06 tỉnh: Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, và Khánh Hòa; riêng tại Hà Nội được đầu tư 02 Trạm. Các thông số quan trắc liên tục  bao gồm các thông số khí tượng (nhiệt độ, hướng gió, tốc độ gió, bức xạ nhiệt, áp suất), các thông số ô nhiễm (Carbon monoxit - CO, Ozone – O3, Oxit Nito - NOx, Sunfua dioxit – SO2, BTEX – Benzen, Toluen, Etylen, O-Xylen; m,p-Xylen). Riêng Trạm khí đặt tại 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội và Trạm khí đặt tại Phú Thọ quan trắc thêm thông số THC (tổng Hidro carbon). Trong đó, 06 Trạm khí được đầu tư công nghệ của hãng Horiba – Nhật Bản và Grim – Đức. Trạm khí đặt tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình được đầu tư theo công nghệ quang phổ hấp thụ vi sai (DOAS) của hãng OPSIS – Thụy Điển và 01 hệ thống tự động đo, cảnh báo phóng xạ RM-A1.

           Tháng 9 năm 2009, Trạm khí tự động đầu tiên của Dự án đã được lắp đặt trong khuôn viên của Trung tâm Quan trắc môi trường – Tổng cục Môi trường, tại số 556 Nguyễn Văn Cừ - quận Long Biên – Hà Nội. Trạm khí đầu tiên được lắp đặt và vận hành ổn định, đúng theo mục tiêu của Dự án đề ra là cơ sở cho việc lắp đặt các Trạm khí còn lại, cụ thể:

Hình 1: Trạm quan trắc tự động môi trường không khí đặt tại Gia Lâm – Hà Nội



Hình 2: Trạm quan trắc tự động môi trường không khí đặt tại Đà Nẵng



          

Hình 3: Trạm quan trắc tự động môi trường không khí đặt tại khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình, Hà Nội

            

Hình 4: Trạm quan trắc tự động môi trường không khí đặt tại Khánh Hòa


          


Hình 5: Trạm quan trắc tự động môi trường không khí đặt tại Phú Thọ (ảnh bên Trái) và tại Thừa Thiên Huế (ảnh bên Phải)



          

Hình 6: Lễ khánh thành Trạm quan trắc tự động môi trường không khí  đặt tại Quảng Ninh


           Trong số 07 Trạm khí, có 06 Trạm khí là Trạm quan trắc các thông số cơ bản trong môi trường không khí do ảnh hưởng của hoạt động giao thông; riêng Trạm Lăng là Trạm quan trắc, theo dõi chất lượng không khí do ảnh hưởng tổng hợp của khu vực xung quanh (dân cư, giao thông, …). Các Trạm khí sau khi lắp đặt được chuyển giao cho các đơn vị địa phương tiếp nhận, vận hành. Sau khi bàn giao Trạm, công tác đào tạo năng lực vận hành Trạm khí cho các cán bộ địa phương đã được chú trọng thực hiện. Cũng theo Biên bản thỏa thuận giữa Trung tâm Quan trắc môi trường – Tổng cục Môi trường với Trung tâm Quan trắc môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương đặt Trạm khí, hai bên sẽ cùng nhau phối hợp duy trì Trạm, sử dụng những thông tin, số liệu quan trắc của Trạm cho mục đích quản lý môi trường tại Trung ương và địa phương.

Số liệu quan trắc từ 07 Trạm khí được truyền liên tục và hiển thị trực tiếp
dưới dạng đồ thị  và chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên trang web của Trung tâm Quan trắc môi trường


           Kết quả quan trắc của 07 Trạm khí được công bố rộng rãi trên trang web của Trung tâm Quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường (quantracmoitruong.gov.vn) dưới dạng đồ thị theo thời gian và được đánh giá theo chỉ số AQI (Chất lượng môi trường không khí) để từ đó có thể cảnh báo kịp thời tới các cơ quan và người dân khi môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm cao tới mức cảnh báo.

           Kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, các Trạm khí đều cung cấp chuỗi số liệu quan trắc liên tục theo thời gian, tỷ lệ số liệu quan trắc đạt được cao. Có thể nói, việc đầu tư xây dựng 07 Trạm khí đã mang lại nhiều lợi ích và ý nghĩa to lớn, phục vụ đắc lực cho công tác giám sát, cảnh báo, đồng thời cung cấp số liệu cho các cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các Trạm được phân bố xây dựng tại các thành phố lớn trên cả nước – là các thành phố có nền kinh tế phát triển, mật độ dân số lớn kéo theo hiện trạng môi trường không khí bị ảnh hưởng.

           Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói chung và Tổng cục Môi trường nói riêng sẽ tiếp tục đầu tư, lắp đặt, mở rộng mạng lưới Trạm khí tại các tỉnh/thành khác để có được bộ số liệu quan trắc đầy đủ, bao quát về hiện trạng môi trường không khí trên cả nước. Từ đó, có thể cung cấp nguồn thông tin liên tục về hiện trạng môi trường không khí tới cộng đồng thông qua hệ thống mạng internet, hệ thống bảng điện tử.

       Nguyễn Văn Thùy, Phạm Thị Vương Linh, Phạm Ngọc Hóa - Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường

Từ Khóa: