Ở Việt Nam hiện nay, mức độ gia tăng CTĐT ngày càng nhanh chóng, tuy nhiên, công nghệ thu gom, xử lý cũng như những quy định, chế tài về vấn đề này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Chất thải điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Gia tăng nhanh chóng
Theo Trung tâm Phát triển và Hội nhập, trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1 kg rác thải điện tử. Như vậy, nếu nhân với 90 triệu dân thì tổng lượng rác thải điện tử mà Việt Nam thải ra một năm sẽ lên đến 90.000 tấn.
Ông Huỳnh Trung Hải, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, CTĐT hiện có lượng thải cao nhất trong đô thị, tăng từ 20 -25%/năm.
Cùng với sự phát triển, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện, điện tử ngày càng gia tăng. Lượng chất thải này đến từ nhiều nguồn như nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, đồ điện tử cũ thải ra từ các hộ gia đình…
Theo thống kê của Viện Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 120.000 - 150.000 thiết bị điện, điện tử gia dụng, 200.000 - 300.000 máy vi tính được thải bỏ và nhập khẩu hàng triệu sản phẩm cũ khác.
Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) ước tính, đến năm 2020, sẽ có khoảng gần 5 triệu ti vi thải bỏ, gấp hơn 3 lần so với năm 2014 (1,5 triệu chiếc); máy tính là gần 1,5 triệu chiếc, máy giặt là 2,6 triệu chiếc.
Theo các chuyên gia, CTĐT là loại chất thải cực độc, có thể gây hại đến môi trường, gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra không khí, đất, nước và thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây nên các bệnh như ung thư, tim mạch, thần kinh… thậm chí, có thể để lại di chứng cho thế hệ sau.
Một số chuyên gia đã ví, CTĐT như quả bom hẹn giờ đối với sự sống của trái đất. Tuy nhiên, mặc dù lượng CTĐT ở Việt Nam ngày càng gia tăng, nhưng vấn đề xử lý loại chất thải này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa được chú trọng đúng mức.
Bài toán khó
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: “CTĐT được phân ra làm các nguồn: Thiết bị sử dụng trong gia đình, văn phòng và chất thải công nghiệp từ các nhà máy sản xuất.
Nguồn thải từ các nhà máy sản xuất được quản lý theo quy định hoạt động sản xuất công nghiệp, còn với CTĐT từ hộ gia đình thì chưa được kiểm soát.
Việt Nam hiện nay chưa có hệ thống thu gom chính thức nào mà hầu hết đều qua các nguồn thu gom không chính thức, là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát và được tập kết về các “làng nghề” để tái chế.
Các cơ sở tái chế này đều nhỏ lẻ hộ gia đình, hầu hết đều ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh, không có các thiết bị hiện đại, ảnh hưởng sức khỏe công nhân và môi trường”.
Tìm hiểu thực thế tại các “làng nghề” tái chế CTĐT mới có thể thấy được sự ô nhiễm tại những nơi này. Làng Đông Mai (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên), nơi được nhiều người biết đến với nghề tái chế pin, ắc quy, người làng giàu lên nhờ nghề này nhưng họ cũng phải đối mặt với ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Bải, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo cho biết: “Làng Đông Mai làm nghề tái chế pin, ắc quy từ hơn 30 năm nay, hiện còn khoảng 60 hộ làm nghề. Việc tái chế hoàn toàn theo cách thủ công. Những hóa chất trong pin, ắc quy, chủ yếu là chì, được xả ngay ra sân, rồi đổ trực tiếp theo kênh mương ra cánh đồng, khiến nhiều diện tích của làng không cấy trồng được”.
Không chỉ ô nhiễm môi trường, mà sức khỏe người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi kiểm tra, nhiều trẻ em, người dân trong làng bị nhiễm chì trong máu, gây nguy cơ bệnh cao.
“Chúng tôi đã kiểm tra hoạt động môi trường tại các “làng nghề’ tái chế CTĐT, hầu hết đều ô nhiễm. Việc xử phạt này thuộc về trách nhiệm của các địa phương nhưng nhiều nơi báo cáo không thể phạt được, vì họ làm nhỏ lẻ kiểu gia đình, hoặc làm thuê cho đầu nậu, và họ không có tiền nộp”, ông Hoàng Dương Tùng cho biết.
Một số công ty đăng ký xử lý CTĐT nhưng năng lực cũng như công nghệ còn hạn chế nên khả năng tái chế và xử lý CTĐT còn thấp. Cùng với đó, khung pháp lý về quản lý CTĐT còn thiếu những quy định hỗ trợ về công nghệ… nên hoạt động thu gom, tái chế CTĐT còn chưa hiệu quả.
Các chuyên gia môi trường đề xuất, với những nguy cơ từ CTĐT, việc thu hồi và xử lý sản phẩm điện tử thải bỏ là rất cần thiết.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, tuy nhiên Bộ TN&MT đang tiến hành dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 50 cho phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi 2014.
“Quyết định 50 nhằm mở rộng trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cả một vòng đời của sản phẩm từ khi sản xuất cho đến khi thải bỏ, vì hơn ai hết, chính họ biết sản phẩm của mình sẽ thải ra những gì và có thể dùng lại những gì để đầu tư cho việc tái sử dụng nó. Chúng tôi đang nghiên cứu cách làm để Quyết định thật sự có thể đi vào cuộc sống, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện thu gom CTĐT”, ông Hoàng Dương Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, hiện chúng ta mới chỉ tái chế CTĐT ở giai đoạn thô sơ sau đó xuất sang nước khác. Do đó, cần có chính sách đầu tư, khuyến khích, ưu đãi về vay vốn, công nghệ cho các cơ sở tháo dỡ và tái chế chính thức, đảm bảo năng lực thu hồi, tái chế của họ.
Cùng với đó, cần tuyên truyền ý thức người dân, đem các sản phẩm điện tử thải bỏ đến cơ sở thu gom chính thức, muốn làm được điều đó, các đơn vị sản xuất phải có hệ thống thu gom và biện pháp khuyến khích về kinh tế để người dân tham gia.
“Trách nhiệm đối với sản phẩm thải bỏ nói chung và CTĐT nói riêng cần được chia sẻ giữa các bên, kể cả người tiêu dùng, đó không chỉ là trách nhiệm tài chính, luật định mà còn là trách nhiệm xã hội đối với tất cả công dân”, ông Tùng cho biết.
Theo Báo Tin Tức