Việt Nam tham gia dự án về quan trắc chất hữu cơ khó phân hủy
Các bể chưa nước thải. Ảnh minh họa.(Nguồn: Đức Hiếu/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Việt Nam tham gia Dự án khu vực "Thực hiện Kế hoạch quan trắc các chất hữu cơ khó phân hủy (POP) tại khu vực châu Á" do Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) tài trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, ký văn kiện dự án với đại diện nhà tài trợ và triển khai thực hiện theo quy định.
Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockhom về các chất POP sẽ được thực hiện trong hai năm với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu GEF thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Dự án khu vực "Thực hiện Kế hoạch quan trắc các chất hữu cơ khó phân hủy (POP) tại khu vực châu Á" có mục tiêu chính là tập trung thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước; Cập nhật và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia thực hiện công ước Stockhom về các chất POP và đệ trình Hội nghị các Bên thông qua Ban thư ký Công ước Stockhom.
Dự án gồm năm hợp phần chính là xây dựng các kế hoạch thực hiện, thực hiện kiểm kê các hóa chất POP mới, cập nhật kiểm kê các hóa chất POP cũ; đánh giá năng lực quản lý POP tại Việt Nam. Qua đó, nhằm xác định các đề án, dự án nhiệm vụ ưu tiên cụ thể được xây dựng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, 11 hóa chất POP mới được cập nhật thêm phân bố không đều, rất khó kiểm kê, đặc biệt liên quan đến các hoạt động công nghiệp. Do đó, trong công tác quản lý POP tại Việt Nam cần phải xây dựng chính sách toàn diện, đa lĩnh vực, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực công nghiệp… tiến tới hạn chế sử dụng và loại bỏ hoàn toàn các hóa chất POP theo quy định của Công ước Stockhom, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo Công ước Stockhom, các nước tham gia Công ước công nhận các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có tính chất độc hại, khó phân hủy, tích lũy sinh học và được phát tán qua môi trường nước, không khí, bởi các loài động vật di cư, xuyên biên giới giữa các nước, rồi lắng đọng và tích lũy trong các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước ở những nơi xa nguồn phát thải chúng...
TTXVN
|