12/02/2015 9:15:55 SA

 

Nối lại đàm phán về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mới

Ảnh minh họa. (AFP/TTXVN)


Ngày 8/2, các nhà đàm phán Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu nhóm họp tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ để chuẩn bị nội dung cho dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mới, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.

Phát biểu khai mạc vòng đàm phán mới kéo dài 6 ngày, Bộ trưởng Môi trường Peru Manuel Pulgar-Vidal, đồng thời là người chủ trì vòng đàm phán lần này, kêu gọi đại diện các nước tham gia làm việc khẩn trương, hiệu quả trên tinh thần thỏa hiệp để bảo vệ Trái Đất trước những hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Mục tiêu của Hội nghị Geneva là rút ngắn văn kiện dài 37 trang mà các nhà đàm phán đạt được tại Hội nghị bộ trưởng thường niên các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) ở thủ đô Lima của Peru tháng 12 năm ngoái thành một "văn bản thương lượng," làm đường hướng cho các cuộc đàm phán từ nay đến tháng 12/2015, thời điểm ký thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mới đã được các nước nhất trí năm 2011.

Các nhà đàm phán phải đưa ra dự thảo thỏa thuận mới vào cuối tháng Năm tới để thông qua lần cuối tại Hội nghị các bên tham gia UNFCC, dự kiến sẽ diễn ra ở thủ đô Paris của Pháp vào cuối năm nay.

Để được các nước ký kết, thỏa thuận mới phải có hiệu lực từ năm 2020 với nội dung thúc đẩy mục tiêu của Liên hợp quốc về hạn chế khí hậu toàn cầu nóng lên thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nước tham gia phải trình cam kết cắt giảm khí thải trước Hội nghị Paris vài tháng.

Các nhà khoa học cảnh báo với tốc độ thải khí carbon dioxide (CO2) gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, thế giới sẽ đứng trước các thảm họa lụt, bão, hạn hán và nước biển dâng cao. Tổ chức Khí tượng học Thế giới vừa cho biết năm 2014 là năm nóng kỷ lục, một phần do Trái Đất tiếp tục nóng lên.

Trong khi đó, các nước tham gia đàm phán vẫn bất đồng về cách thức chống biến đổi khí hậu, chủ yếu liên quan hạn ngạch khí thải CO2 của các nước giàu.

Nhân danh các nước đang phát triển và nước nghèo, Nam Phi kêu gọi các nước tham gia đàm phán thể hiện rõ thiện ý, đặc biệt các nước giàu phải thể hiện cách thức giữ cam kết tăng nguồn tài chính hỗ trợ các chương trình chống biến đổi khí hậu lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Các bên tham gia còn bất đồng về cách thức đảm bảo và đánh giá cam kết tập thể đối với mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất nóng lên.

TTXVN


Từ Khóa:  biến đổi khí hậu  BĐKH