Bảo tồn và phát triển loài Voọc chà vá chân nâu
Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân nâu được tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng
Bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) được nhiều người biết đến là “vương quốc” của một loài linh trưởng vô cùng quý hiếm, không chỉ của Việt Nam mà còn là của Thế giới - đó là Voọc chà vá chân nâu. Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là chà vá chân đỏ hoặc Voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó.
Sơn Trà - “lá phổi xanh” Đà Nẵng
Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía Đông Nam trông như hình con nghê chồm ra biển nên gọi là ngọn Nghê, ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu nên gọi là ngọn Mỏ Diều và ngọn phía bắc vươn về phía của biển dài như cổ ngựa nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua thời gian lâu dài, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần hình thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó.
Nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng chỉ hơn 10 km về phía Đông Bắc nhưng lại sở hữu một cảnh sắc thiên nhiên độc đáo nhờ thảm động thực vật đa dạng cùng với hệ sinh thái biển phong phú, bán đảo Sơn Trà từ lâu đã hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp sinh thái hoang sơ và cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục. Với tổng diện tích hơn 4.000ha, rừng nguyên sinh trên bán đảo là nơi giao lưu của hai hệ động thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc, gồm 289 loại thực vật, 287 loài thú, 106 loài chim và 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn trong đó có loài Voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng được pháp luật Việt Nam bảo vệ nghiêm ngặt.
Bán đảo Sơn Trà không chỉ là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu, mà còn là bức bình phong chặn gió bão cho Đà Nẵng. Chính yếu tố thuận lợi trong vị trí địa lý và sự đa dạng sinh học ở đây đã thu hút lượng khách ngày càng đông, tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại sinh cảnh sống của loài linh trưởng quý hiếm này. Theo bà Larry Ulidarri, chuyên gia Dự án nghiên cứu bảo tồn động vật - người có 15 năm sống, làm việc tại Việt Nam và 4 năm nghiên cứu về loài Voọc chà vá chân nâu ở Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà là nơi duy nhất trên thế giới có những cá thể Voọc chà vá chân nâu đang sống trong tự nhiên. Vậy nhưng, nhiều người vẫn không biết rằng mình đang sở hữu một tài sản vô giá - loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm trên thế giới.
Đối với những người yêu thiên nhiên và muốn tận mắt nhìn thấy động vật hoang dã, Sơn Trà là một điểm đến tuyệt vời. Một chuyến đi bộ xuyên rừng khám phá thiên nhiên núi rừng Sơn Trà với thảm động thực vật nhiệt đới phong phú, sẽ có thể bắt gặp những cây cổ thụ gần ngàn năm tuổi, ngắm bầy voọc, các chú khỉ đuôi dài, khỉ vàng đang tìm ăn trên các tầng cây hay bên bờ suối. Ngoài hệ động thực vật trên cạn, Sơn Trà còn có những bãi san hô tuyệt đẹp, đầy màu sắc vô cùng hấp dẫn. Ở mũi Nghê, bãi Tranh, bãi đá Đen chênh vênh bên bờ đá dựng có những rạn san hô trải rộng trên 4,5 ha cùng những bãi Bắc, hục Lỡ, vũng Đá…
“Nữ hoàng” trong lòng phố xanh
Sơn Trà - được mệnh danh là kinh đô của loài Voọc chà vá chân nâu bởi tổng số cá thể tính đến năm 2010 ở đây lên đến 18 đàn tương ứng với 300 cá thể chiếm 30% tổng số cá thể hiện có ở Việt Nam. Đây là loài linh trưởng đẹp nhất hành tinh với 5 màu ngũ sắc và được mệnh danh là “giác hoàng - nữ hoàng của các loài Voọc” và trong sách đỏ của Việt Nam chúng được xếp vào mức nguy cấp (E). Trong khi loài này bị đe dọa tuyệt chủng tại nhiều nơi thì tại Sơn Trà, loài này hiện đang phát triển khỏe mạnh và bền vững. Điều này có được một phần do quyết tâm của chính quyền TP. Đà Nẵng trong bảo vệ môi trường sống cho các loài động thực vật nơi đây.
Loài Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được phát hiện nghiên cứu từ năm 1969. Đến nay đã có ít nhất 5 đoàn nghiên cứu khảo sát thực địa để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng quý hiếm đặc biệt này. Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước cũng đã đến đây, vì vậy hình ảnh loài Vọoc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà đã được thế giới biết đến. Chúng không đi riêng lẻ mà thường sống theo bầy đàn, theo từng gia đình. Ăn trên cây, ngủ trên cây. Thức ăn của chúng cũng rất phong phú.
Theo Trung tâm đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt): Qua nghiên cứu về tập tính và sinh hoạt hằng ngày của Voọc, chúng thường ăn ở theo từng gia đình. Hàng ngày, khoảng 6 giờ sáng, chúng thức dậy và đi ăn, thức ăn của chúng là quả sung, lá đa cùng nhiều loại lá cây khác tại bán đảo Sơn Trà. Khoảng 11 giờ trưa chúng ngủ, đến 3 giờ chiều, trời mát chúng đi ăn lại. Được biết, từ năm 1995 trở về trước, tình trạng săn bắt, đặt bẫy thú, khai thác gỗ, đốt ong trên bán đảo Sơn Trà còn xảy ra nhiều, nguy cơ tuyệt chủng loại Voọc này rất lớn, nhưng bây giờ thì ngược lại, người dân Sơn Trà đang ra sức bảo vệ rừng, bởi họ biết vốn quý giá của Sơn Trà khi họ đã chuyển đổi sang làm du lịch dịch vụ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác bảo vệ cũng như nghiên cứu về loại thú thuộc nguồn gen quí hiếm này cần được tăng cường hơn nữa.
Theo một dự án nghiên cứu về tập tính của loài Voọc chà vá chân nâu Sơn Trà do Trường Đại học khoa học Tự nhiên phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm Đà Nẵng thực hiện dưới sự tài trợ của Tổ chức Bảo tồn Voọc chà vá quốc tế (DLF) cho thấy, có đến 77 loài cây là thức ăn chính của loại Voọc chà vá chân nâu. Chúng chủ yếu ăn chồi, lá, hoa, quả và chúng rất nhanh khi ở trên các cành cây cao, khi có bóng dáng người hoặc các phương tiện giao thông chạy qua là chúng đều ẩn mình và biến mất vào trong những tán lá của rừng. Tuy nhiên khi ở dưới đất hoặc những tán cây thấp gần mặt đất chúng thường rất chậm chạp - đây chính là nguyên nhân khiến loài linh trưởng này đang bị đe dọa bởi các bẫy của thợ săn bắt.
Bảo tồn và phát triển loài Voọc quý hiếm
Sơn Trà - khu rừng già bạt ngàn với nhiều loài động vật quý hiếm, những rạn san hô sặc sỡ sắc màu, bờ biển dài quyến rũ... là những món quà mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng. Thế nhưng nhiều năm qua, tiềm năng du lịch tại bán đảo Sơn Trà vẫn chưa được khai thác đúng mức. Cái khó lớn nhất theo nhiều chuyên gia, là phải làm sao vừa khai thác mà vẫn bảo tồn được khu rừng nguyên sinh và môi trường sống của các loài động vật tại đây. Một chuyến phượt xe máy vòng quanh bán đảo Sơn Trà, đi bộ trekking len lỏi vào những con đường mòn ngắm Voọc chà vá, lặn ngắm san hô và “săn” cá trong dòng nước xanh mát lạnh… Bán đảo Sơn Trà đã làm quyến rũ bước chân của biết bao du khách gần xa. Núi có, biển có, tiềm năng thì vô cùng dồi dào, thế nên nhiều nhà làm du lịch ví von bán đảo Sơn Trà giống như “nàng tiên cá”.
Được mệnh danh là cánh rừng già duy nhất ở Việt Nam nằm trong lòng thành phố trẻ, bán đảo Sơn Trà vẫn thiếu sức lôi cuốn, mời gọi bước chân du khách quay trở lại lần thứ hai vì sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu và khá nghèo nàn. Những năm gần đây, nhiều công ty lữ hành trên địa bàn thành phố cũng ít khi đưa điểm đến Sơn Trà vào chương trình tour vì sự xuống cấp của các điểm dừng chân. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, năm 2013, tính riêng tour lặn ngắm san hô, bán đảo Sơn Trà chỉ đón được khoảng 5.000 lượt khách, trong khi Cù Lao Chàm (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng là điểm đến tương tự lại đón hơn 171.000 lượt khách tham gia loại hình tour này.
Tại khu vực bán đảo Sơn Trà hiện có bảy dự án du lịch lớn, trong đó mỗi dự án ít nhất cũng chiếm hàng chục ha đất lâm nghiệp chủ yếu tập trung tại phía đông của bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra còn có một loạt các nhà hàng ăn uống đang là nguy cơ đe dọa đến môi trường sống của các loài động vật nơi đây và hủy hoại môi trường sinh thái tại khu bảo tồn. Ðích cuối cùng của các dự án là phục vụ kinh doanh dịch vụ, du lịch, trong khi đó hiện tại các hoạt động du lịch lại không chịu sự quản lý của bất cứ các cơ quan chức năng nào.
Ðể nâng cao hơn nữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây, theo nhiều chuyên gia, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đặc biệt đối với loài Voọc chà vá chân nâu. Đồng thời, xúc tiến các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa ban quản lý rừng với các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước. Ðặc biệt đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái tại Sơn Trà phải theo hướng kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, bảo đảm sự an toàn cho loài Voọc chà vá chân nâu.
Bài và ảnh: XUÂN LAM – ANH DŨNG/monre.gov.vn
|