10/03/2015 5:00:33 CH

 

Rà soát, hoàn thiện hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường tầm nhìn đến năm 2030

     Ngày 2/3/2015, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng “Quy hoạch hệ thống quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã chủ trì cuộc họp về tình hình rà soát, sửa đổi, bổ sung mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia.

     Theo Báo cáo của Vụ Kế hoạch (Bộ TN&MT), hoạt động quan trắc TN&MT thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào hoạt động quản nhà nước về TN&MT, đặc biệt là từ khi thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia theo quy định tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020". Đến nay, cả nước đã xây dựng và vận hành mạng lưới với khoảng 500 trạm và hàng nghìn điểm quan trắc phân bố rộng khắp trên toàn lãnh thổ; Thu thập được khối lượng lớn tư liệu của nhiều lĩnh vực, cung cấp số liệu tương đối đầy đủ, chi tiết về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và biến động môi trường, phục vụ nhu cầu xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, xây dựng được trên 3.000 quan trắc viên chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quan trắc TN&MT quốc gia.

 

Toàn cảnh cuộc họp

 

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động quan trắc cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định như: Mạng lưới quan trắc TN&MT được xây dựng trên nền tảng là các mạng riêng rẽ, không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực; Mạng lưới thưa, phân bổ không hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, không có quy chế về trao đổi số liệu, thông tin nên mặc dù dữ liệu thu được rất nhiều nhưng việc khai thác, sử dụng chưa mang lại hiệu quả cao; Công nghệ quan trắc còn lạc hậu, thiếu đồng bộ… Vì vậy, trong Quy hoạch được chỉnh sửa lần này, Bộ đã quán triệt chủ trương phải lồng ghép tối đa mạng lưới trạm quan trắc và lấy mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn làm nòng cốt. Hiện, Bộ đã tổng hợp được tất cả các điểm, công trình, trạm quan trắc của tất cả các lĩnh vực và đưa lên bản đồ tỷ lệ 1/50.000, làm cơ sở dữ liệu quan trắc của ngành, trên cơ sở đó, hoàn thiện Dự thảo lần 1 của Quy hoạch.

     Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, Quy hoạch hệ thống quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, phải kế thừa và rút kinh nghiệm từ Quy hoạch trước đó. Vì vậy, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, loại bỏ các điểm trạm không hợp lý, không cần thiết; Lồng ghép tối đa các điểm, trạm theo vị trí địa lý hoặc theo các yếu tố cần quan trắc; Tiếp tục lấy mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn làm nòng cốt; Nâng cấp, hiện đại hóa các điểm, trạm quan trắc, tránh việc xây mới trừ trường hợp các lĩnh vực mới bắt buộc phải có. Ngoài ra, theo Dự thảo Quy hoạch lần này thì số lượng các trạm, điểm quan trắc rất lớn so với Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg, do đó cần có sự phân cấp cho địa phương, phân cấp cho các Bộ, ngành khác trong công tác quan trắc, đồng thời tiến tới phân cấp cho doanh nghiệp và xã hội hóa hoạt động quan trắc.

 

Theo Monre

Từ Khóa:  Quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường