Ứng dụng công nghệ giảm phát thải carbon trong phát triển đô thị
Thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông, được mệnh danh là đô thị xanh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Phát triển đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ giảm phát thải carbon là chủ đề của hội thảo được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh) và Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp tổ chức ngày 11/3 tại Khu đô thị sinh thái Ecopark (Hưng Yên).
Hội thảo nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển đô thị sinh thái và giới thiệu ứng dụng các công nghệ nhằm giảm phát thải carbon có khả năng áp dụng cao tại các đô thị Việt Nam với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cùng các Viện, Hiệp hội nghề nghiệp, trường đào tạo của Việt Nam…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập toàn cầu gắn liền với đô thị hóa là một xu thế tất yếu.
Những năm qua Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hiện GDP của đô thị chiếm trên 70% GDP cả nước. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắt theo hướng văn minh, hiện đại, nhiều không gian đô thị mới đã và đang được tạo dựng.
Tuy nhiên, theo thống kê gần đây, các thành phố hiện đang tiêu thụ khoảng 75% nguồn năng lượng của thế giới và phát thải 80% khí nhà kính toàn cầu.
Đô thị hóa cũng đã đặt ra nhiều thách thức và khó khăn cho các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đã dẫn tới việc các đô thị phải đối mặt với nhiều vấn đề như kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tình trạng úng ngập tại các đô thị, ùn tắc giao thông, thiếu nước sinh hoạt, năng lượng, ô nhiễm môi trường sống.
Cùng đó, chính quyền đô thị thiếu công cụ quản lý do chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng quy chế quản lý đô thị sau quy hoạch, các dự báo theo quy hoạch bị ảnh hưởng nhiều do tốc độ đô thị hóa quá nhanh…
Bên cạnh những thách thức nội tại, đô thị Việt Nam trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế cũng phải đối mặt với các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Do đó, “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050” được Chính phủ phê duyệt cũng đặt mục tiêu từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng, đô thị sống tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến giàu bản sắc; có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và quốc tế.
Từ năm 2011, việc triển khai xây dựng các đô thị sinh thái tại Việt Nam đã nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Việc hợp tác này đã tạo thuận lợi để Nhật Bản không chỉ dừng lại ở đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông mà đã mở rộng đầu tư toàn diện trong lĩnh vực phát triển đô thị, cũng như công tác nghiên cứu áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình đô thị sinh thái tại Việt Nam.
Các chuyên gia đến từ Công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley (Nhật Bản) đã giới thiệu ứng dụng công nghệ carbon thấp cho phát triển cộng đồng mới tại Việt Nam và chia sẻ, từ năm 2011, Nhật Bản đã tổ chức tham vấn về JCM (cơ chế tín chỉ chung) và ký kết các văn bản song phương về JCM với 12 quốc gia trong đó có Việt Nam.
Đến nay đã có hơn 60 dự án tại Việt Nam đã được lựa chọn để Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Tại Việt Nam, JCM đã đưa ra 4 phương pháp chờ phê duyệt gồm điều hòa không khí có biến tần cho các tòa nhà công (Bệnh viện Xanh); nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà thương mại thông qua sử dụng thiết bị hiệu suất cao (dự án khách sạn carbon thấp); thu hồi nhiệt thải để phát điện (ngành năng lượng); hoạt động hiệu quả năng lượng giao thông bằng cài đặt máy đo tốc độ kỹ thuật số (ngành Giao thông Vận tải)
Ông Huỳnh Kim Tước – Trung tâm tiết kiệm năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết so với các địa phương khác, Thành phố Hồ Chí Minh có ưu thế về hạ tầng đô thị tốt hơn với một số ưu điểm như công nghệ ở mức trung bình khá, bước đầu đã có hệ thống quản lý trong các lĩnh vực chiếu sáng, điều hành giao thông, cấp nước; bước đầu xây dựng phương án tích hợp SagoGIS (đề án xây dựng hệ thống thông tin địa lý Thành phố Hồ Chí Minh)…
Tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần có những chính sách, quy chuẩn hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng tiếp cận đô thị thông minh, đô thị sinh thái.
Hiện việc hình thành một cách nhìn tổng thể trong việc xây dựng các đô thị xanh, đô thị sinh thái hướng tới mục tiêu phát triển bền vững được xem là một trong những đích ngắm mà nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang nỗ lực xây dựng.
TTXVN |