Xây dựng Vườn Quốc gia Cát Bà trở thành trung tâm đa dạng sinh học quốc tế
Nhiều du khách quốc tế đến với VQG Cát Bà
Được thành lập cách đây gần 30 năm, Vườn Quốc gia Cát Bà là tâm điểm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, là ngôi nhà chung của hơn 3150 loài động thực vật rừng và biển. Trở thành trung tâm đa dạng sinh học quốc tế, hướng đến phát triển bền vững chính là mục tiêu lớn được đặt ra để nâng tầm giá trị của VQG quý báu này.
Trung tâm đa dạng sinh học cao của Thế Giới
VQG Cát Bà là trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới có giá trị toàn cầu đã được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại. Tiêu biểu là trong đó: thực vật rừng trên 1.561 loài, với nhóm cây gỗ có 408 loài, cây dược liệu có 661 loài, cây làm cảnh có tới 203 loài; Hệ động vật rừng có 279 loài, với 53 loài thú, 160 loài chim, bò sát có 66 loài; Côn trùng 274 loài.
Ngoài ra, VQG Cát Bà cũng sở hữu sự giàu có và đang dạng các loài sinh vật biển với khoảng 1.313 loài với 196 loài cá biển, 538 loài động vật đáy, 89 loài động vật phù du, 189 loài loài thực vật phù du, trên 75 loài rong biển và 193 loài San hô. Như vậy có thể thấy, mặc dù không thể lượng giá được bằng tiền giá trị về đa dạng sinh học, nhưng đây được coi là một tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho VQG Cát Bà. Vườn còn có nhiều loài đặc hữu quý hiếm có giá trị bảo tồn cao.
Theo ông Hoàng Văn Thập - Giám đốc VQG Cát Bà, VQG này vô cùng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, nhiều nơi còn rất nguyên sơ, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học cao với sự có mặt của hơn 3150 loài động thực vật rừng và biển. Khu hệ thực vật rừng bước đầu đã ghi nhận được 1.561 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 842 chi, 186 họ và 5 ngành thực vật khác nhau chủ yếu là cây gỗ nhỏ và cây bụi. Nhóm gỗ thiết mộc và gỗ có giá trị kinh tế cao như: trai lý, nghiến, lát hoa, sến mật, giổi... Nhóm cây làm thuốc có 661 loài như bổ cốt toái, bạch nhật, xạ đen..., trong đó hầu hết đã được ghi nhận về giá trị sử dụng theo kinh nghiệm của y học cổ truyền dân tộc. Nhóm cây làm cảnh và cây bóng mát có hơn 200 loài, nhiều loài làm cảnh nhất là họ phong lan (15 loài), tiếp đến là họ cau dừa (17 loài). Đối với động vật rừng, đã ghi nhận được 338 loài động vật có xương sống ở cạn hiện tồn tại ở Cát Bà. Trong đó: lớp thú 53 loài thuộc 7 bộ, 17 họ; lớp chim 205 loài thuộc 17 bộ, 51 họ; lớp bò sát 55 loài thuộc 2 bộ, 14 họ; lớp ếch nhái 25 loài thuộc 1 bộ, 7 họ…Có 36 loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn, gồm 26 loài trong Sách đỏ Việt Nam…
Riêng hệ động thực vật biển đã phát hiện được 1.313 loài, trong đó đã xác định được: 196 loài cá biển, 538 loài động vật đáy, 89 loài động vật phù du, 189 loài loài thực vật phù du, trên 75 loài rong biển và 193 loài san hô…
Ngoài những giá trị về đa dạng sinh học, còn nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như hệ thống hang động, các di chỉ, di tích lịch sử nổi tiếng, hệ thống núi đá vôi độc đáo với nhiều hình thù riêng biệt tạo cảnh quan độc đáo. Những giá trị này đã trở thành tiềm năng để Hải Phòng phát triển du lịch.
Bảo tồn để phát triển
Với những giá trị hiếm có về đa dạng sinh học và những lợi ích mà VQG đã mang lại, những năm qua, Chính phủ, UBND TP Hải Phòng, các cơ quan ban ngành, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ đã quan tâm xây dựng và phát triển VQG.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam cho biết, lần đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) quần đảo Cát Bà được xây dựng tại VQG như là một “Phòng thí nghiệm học tập” cho phát triển bền vững dựa trên cách tiếp cận tư duy hệ thống, quy hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành và kinh tế chất lượng. Đây cũng là một địa điểm để thực hiện các ý tưởng kết hợp hài hòa “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn” theo các nguyên tắc phát triển bền vững.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động hướng tới sự phát triển bền vững, TP.Hải Phòng xây dựng Quỹ Sinh quyển Cát Bà nhằm huy động nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững…Bên cạnh đó, TP. đã xây dựng Quy hoạch bảo tồn bền vững VQG Cát Bà đến năm 2020. Theo đó xác định mục tiêu bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên các khu hệ động vật, thực vật và các giá trị cảnh quan thiên nhiên rừng và biển trong phạm vi quản lý của VQG Cát Bà trên tổng diện tích quy hoạch 17.362,96 ha.
Để bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển, VQG Cát Bà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, cải thiện đời sống người dân, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. VQG Cát Bà triển khai hiệu quả hợp tác quốc tế như phối hợp với các tổ chức như Dự án bảo tồn voọc; Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và cộng đồng (MCD), Dự án PRC; MCD46; FFI; PA...để góp phần phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đảo.
T.Minh/monre.gov.vn
|