Hiểm họa từ những vựa phế liệu
Chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Đồng Nai liên tục xảy ra nhiều vụ cháy tại các điểm thu mua phế liệu.
Việc kinh doanh phế liệu trong đô thị, khu dân cư tập trung đã bị UBND tỉnh Đồng Nai hạn chế từ năm 2005 (không cấp phép cho các điểm thu mua phế liệu phát sinh sau năm này – PV). Tuy nhiên, trong thực tế các điểm thu mua phế liệu vẫn mọc lên nhan nhản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
“Bom nổ chậm” giữa khu dân cư
“Từ tuyến đường chính giữa trung tâm TP Biên Hòa đến các con đường nhỏ liên phường, xã và cả những con hẻm trong tổ dân phố…, bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành điểm thu mua phế liệu. Phế liệu chất đầy nhà, tràn cả ra lề đường làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân” – anh Phạm Văn Năm, ngụ TP Biên Hòa (Đồng Nai), bức xúc.
Đường Phạm Văn Khoai dẫn vào sân vận động Đồng Nai nằm trên địa bàn phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa chỉ dài chừng 500 m nhưng có đến hai điểm thu mua phế liệu. Tại đây, vỉa hè bị các chủ vựa chiếm dụng làm nơi phân loại phế liệu, trong đó có cả rác thải công nghiệp trước khi đem bán, trông rất nhếch nhác. Diện tích của hai điểm thu mua phế liệu này đều nhỏ hẹp nhưng chứa toàn những vật liệu dễ cháy, nổ.
Vựa phế liệu trên đường Trần Quốc Toản, phường Bình Đa, TP Biên Hòa rộng chỉ vài trăm mét vuông nhưng phế liệu chất cao thành núi, bao bì, nhựa, bọc nylon,… ngổn ngang khắp nơi. Vựa này được xây tạm bợ, chủ yếu là thưng tôn, nằm lọt thỏm giữa nhiều quán sá và nhà dân. Chỉ đứng quan sát khoảng 10 phút nhưng chúng tôi cảm thấy nhức đầu, khó thở vì mùi hôi khó chịu bay ra từ đây.
Theo thống kê của UBND TP Biên Hòa, hiện trên địa bàn TP có hơn 300 vựa phế liệu. Trong số này chỉ có vài chục điểm được cấp phép, còn lại đều hoạt động trái phép.
Hiện trường vụ cháy kho phế liệu ở xã Quảng Tiến, Trảng Bom ngày 17-3. (Ảnh: T.Dũng)
Bên trong vựa phế liệu ở phường An Bình, TP Biên Hòa khiến người dân địa phương bất an. (Ảnh: T.Dũng)
Trách nhiệm của phường, xã
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng Phòng TN&MT TP Biên Hòa, cho biết: UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo về việc quản lý, quy hoạch các dự án thu gom, xử lý chất thải trong khu vực đô thị, khu dân cư tập trung. Thực hiện chỉ đạo này, UBND TP Biên Hòa đã yêu cầu Phòng TN&MT phối hợp với các địa phương có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh, thu gom xử lý chất thải… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Các đơn vị, địa phương không thụ lý hồ sơ và không để phát sinh các điểm kinh doanh phế liệu trong khu vực đô thị, khu dân cư tập trung.
“Việc để các điểm thu mua phế liệu mọc lên tràn lan là trách nhiệm của chính quyền phường, xã. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ điểm thu mua phế liệu. Các điểm hoạt động trái phép và không đảm bảo an toàn sẽ bị đình chỉ” – ông Vinh nói.
Ba tháng đầu năm, ba vụ cháy vựa phế liệu
Ngày 17-3 xảy ra một vụ cháy lớn tại kho phế liệu ở ấp Quảng Lộc, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Cơ quan chức năng phải mất nhiều giờ mới khống chế được lửa. Trước đó cũng đã xảy ra cháy lớn ở vựa phế liệu tại phường An Bình, TP Biên Hòa (chiều 6-3) và vựa phế liệu tại thôn Tây Lạc, ấp Bùi Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom.
_________________________________
Chúng tôi thấy rất bất an khi phải sống cạnh hai vựa phế liệu. Do diện tích nhỏ nên họ chất phế liệu tràn cả ra lề đường, vừa hôi hám, vừa nhếch nhác. Hơn nữa, các vựa phế liệu đều nằm gần những nơi có nhiều cửa hàng, khu dân cư nên nếu xảy ra cháy nổ thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Anh THÁI HOÀNG, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa
________________________________________
Tại TP.HCM, các vựa phế liệu cũng hoạt động nhộn nhịp không kém, từ khu vực trung tâm TP tới các quận, huyện vùng ven. Chỉ riêng quận Bình Thạnh đã có hàng chục điểm thu gom phế liệu nằm ở khu vực phường 11, 25, 26… Trong đó hai điểm thu gom có quy mô lớn nằm trên đường Chu Văn An (đoạn gần đường Nguyễn Xí, phường 26) và ở hai bên cầu Rạch Lăng (đường Phạm Văn Đồng, phường 11). Điểm chung của các vựa phế liệu là được xây tạm bợ bằng tôn, luôn có hàng đống phế liệu cao ngập đầu. Những dãy nhà này cũng là nơi trú ngụ của hàng chục lao động.
Cảnh mua bán tấp nập tại điểm thu gom phế liệu trên đường Chu Văn An (phường 26, quận Bình Thạnh). (Ảnh: P.Tĩnh)
Ông Nguyễn Tấn Sơn, nhà gần vựa phế liệu trên đường Chu Văn An, Bình Thạnh, nói: “Đa số họ là người nhập cư nghèo, buôn bán ở đây đã lâu năm. Căn nhà xập xệ với đủ loại chất liệu như thế này lỡ cháy thì không biết sẽ ra sao. Chúng tôi cũng lo lắm”.
PHƯỚC TĨNH
|
Theo Tiến Dũng/ Pháp luật TP Hồ Chí Minh |