03/04/2015 8:27:54 SA

 

Quan trắc đa dạng sinh học: "Hệ thống cảnh báo sớm" để bảo tồn bền vững


Các chuyên gia môi trường khẳng định, để bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, cần thiết phải thực hiện quan trắc thông qua việc theo dõi các chỉ thị ĐDSH, các kết quả quan trắc một mặt xác định được xu thế biến đổi của biến đổi của ĐDSH, mặt khác còn đánh giá được hiệu quả quản lý ĐDSH. 
 
Từ nhận thức tới hành động
 
Quan trắc ĐDSH được lặp đi lặp lại trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các chỉ thị phản ánh hiện trạng, xu hướng biến đổi của ĐDSH, các ảnh hưởng bất lợi đối với tài nguyên ĐDSH để từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách có các hoạt động ưu tiên, cải thiện công tác quản lý các hệ sinh thái, các loài và nguồn gen.
 
Quan trắc đa dạng sinh học là một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam nếu so với những nghiên cứu và điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên nói chung và điều tra về động thực vật rừng, động thực vật biển và ven biển nói riêng đã được chúng ta tiến hành từ rất lâu. Quan trắc đa dạng sinh học chỉ thực sự nổi lên như là một yêu cầu cấp bách, là sự cần thiết cho công cuộc bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững của các quốc gia từ khi Công ước quốc tế về đa dạng sinh học (CBD) chính thức yêu cầu và hướng dẫn các quốc gia thực hiện quan trắc đa dạng sinh học vào những năm đầu của thế kỷ 20. 
 
 
Các kết quả quan trắc giúp xác định được xu thế biến đổi của biến đổi của ĐDSH
Các kết quả quan trắc giúp xác định được xu thế biến đổi của ĐDSH
 
 
Nghiên cứu và thực hiện quan trắc đa dạng sinh học của Việt Nam chủ yếu được thực hiện thông qua một số dự án, chương trình nhỏ lẻ. Gần đây, các nghiên cứu có tính tổng quan liên quan đến phương pháp luận, cách tiếp cận trong quan trắc đa dạng sinh học phần lớn do Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học trực thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) chủ trì và điều phối. 
 
Hoạt động quan trắc đa dạng sinh học được thực hiện trên một số đối tượng như: Hoạt động giám sát, quan trắc chim ở Việt Nam tại VQG Ba Bể (Bắc Kạn), Khu BTTN Na Hang (Tuyên Quang), Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn, Khu BTTN Đông Sơn –Kỳ Thượng… Hoạt động giám sát, quan trắc các nhóm loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như  loài hổ, gấu (VQG Pù Mát- Nghệ An), thú linh trưởng VQG Phong Nha - Quảng Bình; quần thể Voọc đầu trắng Vườn quốc gia Cát Bà - Hải Phòng… Quan trắc đa dạng sinh học hệ sinh thái biển tại Khu bảo tồn biển Nha Trang. Trong khuôn khổ dự án do GEF/Ngân hàng Thế giới tài trợ, các đợt khảo sát toàn diện nhất Việt Nam về các loài và sinh cảnh trong vùng vịnh Nha Trang đã hoàn thành.
 
Những thành quả tạo tiền đề quan trọng
 
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng một số thông số, quy trình phục vụ quan trắc đa dạng sinh học quốc gia” do TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học làm Chủ nhiệm đề tài đã thu được một số kết quả quan trọng.
 
Đề tài đã xây dựng được bộ chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học đất ngập nước áp dụng cho Việt Nam gồm 25 chỉ thị thuộc nhóm áp lực, hiện trạng và đáp ứng trong đó có 17 chỉ thị bắt buộc áp dụng. Các chỉ thị gồm cả những chỉ thị phản ánh các yếu tố môi trường cũng như các yếu tố đa dạng sinh học, đồng thời bộ chỉ thị cũng phản ánh được các tác động của con người đến các hệ sinh thái đất ngậpnước thông qua các chỉ thị về mật độ dân số, các hoạt động khai thác cũng như các chínhsách tác động đến hệ sinh thái đất ngập nước.
 
Vận dụng kinh nghiệm quốc tế và căn cứ vào tình hình thực tiễn Việt Nam, đề tài tiến hànhxây dựng quy trình quan trắc đa dạng sinh học đất ngập nước cho bộ chỉ thị đồng thời đề xuất 51 điểm quan trắc trong mạng lưới quan trắc với các mức độ ưu tiên khác nhau. Việc áp dụng thử nghiệm bộ chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học đất ngập nước tại Vườn quốc gia Xuân Thủy và Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long khẳng định nhìn chung, bộ chỉ thị có thể đo đạc và quan trắc. 
 
Trong khuôn khổ đề tài cũng đề xuất đề án quan trắc đa dạng sinh học đất ngập nước Việt Nam. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, đất ngập nước đang bị tác động bởi rất nhiều yếu tố làm thay đổi địa mạo, chế độ thủy văn và đặc tính của đất, đặc biệt là tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có khi làm thay đổi bản chất của hệ sinh thái đất ngập nước. Những tác động này là nguyên nhân gây suy giảm ĐDSH.
 
Đất ngập nước rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường. Do đó, việc quan trắc ĐDSH đất ngập nước là một công cụ quan trọng phục vụ công tác quản lý đất ngập nước, đặc biệt là công tác bảo tồn hệ sinh thái và ĐDSH.
 
Quan trắc ĐDSH cần phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ để có các số liệu, thông tin một cách hệ thống và liên tục, giúp cho việc phân tích, đánh giá diễn biến về ĐDSH của đất ngập nước, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn có hiệu quả hơn, đảm bảo thực hiện quản lý đất ngập nước theo các mục đích và chức năng của đã được xác định.
 
Phương Anh/baotainguyenmoitruong.vn

Từ Khóa:  Quan trắc đa dạng sinh học