08/04/2015 11:55:18 SA

 

Thành phố Hồ Chí Minh hồi sinh những dòng kênh "chết"


​Bốn mươi năm sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên trở thành trung tâm kinh tế của cả nước, là một trong những thành phố lớn của khu vực. 
​Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, Thành phố còn đặc biệt chú trọng đến công tác cải tạo vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân...

Cá đã bơi trên dòng kênh "chết"

Cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (dài hơn 10km, chảy qua địa bàn các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), người ta sẽ nghĩ ngay đến con kênh ô nhiễm bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh với màu nước đen đặc, đầy rác và hôi thối, sinh vật khó lòng sống nổi.

Với quyết tâm cải tạo kênh Nhiêu Lộc, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè (giai đoạn một) được thiết kế với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Sau gần 10 năm triển khai, vào ngày 18/8/2012, công trình xây dựng, cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh được khánh thành, đánh dấu sự hồi sinh của dòng kênh hơn 20 năm “chết” chìm trong rác.

Giờ đây, nước kênh đã xanh trở lại, cá tung tăng bơi lội, 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh, trong đó hầu hết là người nghèo có hệ thống thu gom nước thải tập trung, trực tiếp được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt. Đêm đêm ánh đèn trên và dưới chân cầu bắc qua kênh chiếu sáng, soi rõ màu nước xanh trong; người dân xung quanh tản bộ dọc bờ kênh hóng mát, tập thể dục. Hai bên kênh, quán xá đông đúc, không khí bán buôn đậm chất Sài thành...

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dự án đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho hơn 1,2 triệu dân thuộc địa bàn bảy quận gồm quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp; góp phần thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp và tổ chức tốt việc tái định cư người dân trong khu vực.

Tiếp theo giai đoạn một, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai giai đoạn hai dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè với tổng mức đầu tư 524 triệu USD với mục tiêu xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè và quận 2 trước khi thải ra môi trường; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Dự án đạt được đa mục tiêu

Một con kênh khác bị ô nhiễm nặng nề không kém kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là kênh Tân Hóa-Lò Gốm với khoảng 1 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp do lấn chiếm, xây nhà trái phép, xả rác bừa bãi. Từ cầu Lò Gốm (quận 6) lên hướng thượng nguồn về phía quận Tân Phú, Tân Bình, dòng kênh càng nhỏ lại, nước đen bốc mùi hôi thối; đến địa bàn quận Tân Phú, dòng kênh chỉ còn là con rạch nhỏ.

Phát huy những bài học kinh nghiệm từ dự án kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đầu tư cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm.

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nâng cấp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết dự án thành phần số 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm” (về sau bổ sung thêm dự án xây cầu Ông Buông 1, Ông Buông 2 đã hoàn thành) được thực hiện từ năm 2010, nhằm mở rộng kênh, xây tường kè, cống hộp, nạo vét bùn, đắp bờ kênh và cải tạo đường rộng từ 6-20m, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang bốn khu cảnh quan dọc tuyến. 

Đến nay, toàn bộ nước thải sinh hoạt của dân cư, các cơ sở sản xuất vốn gây ô nhiễm cho dòng kênh nay được chảy ngầm trong lòng cống, vấn đề ngập nước khi có triều cường hay mưa lớn trong lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm đã cơ bản được giải quyết. 

“Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cải thiện ô nhiễm và giải quyết ngập cho lưu vực kênh Tân Hóa-Lò Gốm có diện tích gần 19 km2 ở các quận 6, quận 11, quận Tân Bình và quận Tân Phú. Mùa mưa năm nay, nhiều khu vực từ Bàu Cát đến Đầm Sen, đường Âu Cơ, Hòa Bình sẽ không còn chìm ngập trong nước bẩn, bốc mùi hôi thối như trước," ông Liêm cho biết thêm.

Thực tế khảo sát của phóng viên cho thấy, hàng nghìn căn nhà trước kia nằm trong hẻm, hướng ra đường Nguyễn Văn Luông nay trở thành mặt tiền đường Tân Hóa, Lò Gốm rộng 12m. 

Bà Nguyễn Thị Dân, ngụ tại quận 6 chia sẻ kể từ khi cải tạo kênh, mở rộng đường dọc kênh, bà đã dễ dàng đi bộ từ nhà để đưa đón cháu đi học; không phải đi lòng vòng, cách trở như trước. Mùi nước giờ đỡ hôi, không gian thoáng đãng, trong lành hơn, buổi tối nhiều cụ ông, cụ bà cùng cháu nhỏ ra công viên dọc kênh tập thể dục, tản bộ, hóng mát.

Chị Lương Thu Nguyệt, chủ quán nước mía trên đường Tân Hóa, vui vẻ nói, kênh bây giờ sạch hơn xưa nhiều, đêm có đèn chiếu sáng an toàn, mặc dù dự án chưa xong nhưng người dân ở đây rất phấn khởi. Dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm, đoạn từ cầu Ông Buông đến hạ lưu kênh, nhiều nhà mới khang trang được xây cất, một số dự án thương mại, chung cư cao tầng cũng đang được khẩn trương xây dựng...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho hay dự án được triển khai với hơn 3.000 tỷ đồng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và trên 1.700 tỷ đồng vốn đối ứng của thành phố; là công trình có ý nghĩa thiết thực chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (khánh thành vào ngày 5/4). 

Qua năm năm thực hiện, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, đạt được đa mục tiêu về nâng cao điều kiện sống của hơn 1 triệu người dân với nhiều thế hệ sinh sống dọc hai bên bờ kênh vốn ô nhiễm trầm trọng và thường xuyên ngập lụt. Giá trị đất đai nhà cửa cũng nhờ đó được tăng cao, tình trạng bệnh tật được đẩy lùi; phúc lợi công cộng, an sinh xã hội được đầu tư đầy đủ; diện mạo của khu vực thay đổi tích cực một cách rõ rệt và nhanh chóng./.
TRẦN XUÂN TÌNH
(TTXVN/VIETNAM+

Từ Khóa:  Xử lý nước thải  nước thải đô thị