09/04/2015 9:08:32 SA

 

Kiểm toán chất thải (KTCT): Chặn ô nhiễm tại nguồn






 
Kiểm toán chất thải gây ô nhiễm tiết kiệm tiền

Các chuyên gia môi trường đánh giá, công tác quản lý chất thải ở các cơ sở sản xuất ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào xử lý ở “cuối đường ống” mà chưa tập trung nhiều đến các giải pháp phòng ngừa ngăn chặn tại nguồn. Do vậy, việc áp dụng các công cụ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, trong đó có KTCT đang là một yêu cầu cấp thiết.

Giảm chi phí đầu tư, tiêu hao nguyên liệu

Kiểm toán môi trường không còn xa lạ ở các nước có nền công nghiệp hiện đại, tuy nhiên cũng còn khá mới mẻ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cùng với sản xuất sạch hơn, KTCT là công cụ hữu ích được sử dụng để xác định loại và khối lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, giúp doanh nghiệp đưa ra giải pháp giảm lượng thải hoặc tái sinh, tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và cải thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất, ngăn ngừa, giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Có thể nói, KTCT là một lĩnh vực chuyên sâu của kiểm toán môi trường (KTMT), được tiêu chuẩn hóa bằng ISO 14010 và ISO 14011:1996.

Qua kiểm toán, đơn vị được kiểm toán sẽ hiểu rõ hơn về  mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị, xác định được những tồn tại cụ thể trong việc thiết kế và vận hành các hệ thống quản lý môi trường của đơn vị, nhất là đối với đơn vị đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000. Kết quả kiểm toán môi trường sẽ đưa ra kết luận và những con số cụ thể về hạn chế hoặc sai phạm trong quá trình và kết quả quản lý môi trường của đơn vị, chỉ ra những bất cập như rò rỉ khí đốt, rò rỉ điện... gây lên lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường, hay vấn đề chất thải công nghiệp chưa được xử lý đúng yêu cầu...  Những tồn tại đó vừa dẫn đến tăng chi phí, giảm lợi nhuận vừa dẫn đến ô nhiễm môi trường, và có thể doanh nghiệp phải chịu thêm khoản tiền phạt lớn hay ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế cạnh tranh của đơn vị...

KTCT giúp giảm kinh phí đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, từ đó tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Những điều đó cho thấy, thực hiện KTCT góp phần đảm bảo việc tuân thủ chi phí, lợi ích không chỉ đối với luật pháp mà còn đối với các tiêu chuẩn về quản lý môi trường theo yêu cầu của các thị trường tiêu thụ.

Theo các chuyên gia tư vấn môi trường, không chỉ có các doanh nghiệp quy mô lớn mới có điều kiện triển khai KTCT, mà cả các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa cũng có thể làm được vì chi phí đầu tư cho KTCT không nhiều so với lợi ích mà nó mang lại.

Chưa phát huy hiệu quả 

Hiện nay, trên thế giới đã hình thành phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, với chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, ô nhiễm môi trường do chất thải ở các khu đô thị, khu công nghiệp sẽ ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc áp dụng các công cụ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, trong đó có KTCT đang là một yêu cầu cấp thiết.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, KTMT và KTCT đã được đưa vào giảng dạy ở một số trường đại học và cao đẳng trong cả nước, song chưa nhiều và mới chỉ dừng ở các vấn đề tổng quát mà chưa đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể. Việc áp dụng KTCT trong các cơ sở sản xuất cũng mới dừng ở một vài dự án thí điểm. Nguyên nhân của tình trạng số lượng doanh nghiệp áp dụng KTCT cũng như sản xuất sạch hơn (ISO 14000) còn thấp là do Nhà nước chưa có những chính sách cụ thể để trực tiếp hoặc gián tiếp bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện. Ngoài ra, nhận thức và hiểu biết về KTCT và các lợi ích mà nó mang lại cũng chưa cao. Các quy trình KTCT chưa được nghiên cứu, xây dựng cho các ngành công nghiệp như ở một số nước trên thế giới. Các sổ tay hướng dẫn kỳ thuật về KTCT chưa được ban hành và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ở nước ta cũng chưa có các nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích áp dụng KTCT trong quản lý môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh triển khai áp dụng KTCT, về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng Sổ tay hướng dẫn KTCT cho ngành công nghiệp nói chung và cho một số ngành công nghiệp nói riêng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục, nâng cao nhận thức về KTCT. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển dịch vụ tư vấn về KTCT. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích/bắt buộc áp dụng KTCT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo một lộ trình nhất định để các doanh nghiệp có thể nắm bắt được rõ các quy định cũng như có phương án chuyển đổi, thay thế và điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với điều luật quy định.

Phương Anh/monre.gov.vn

Từ Khóa:  Kiểm soát nguồn thải  nguồn thải