09/04/2015 9:43:02 SA

 

Việt Nam sẽ mất 9% GDP hàng năm do biến đổi khí hậu

Khi nước biển dâng thêm một mét vào năm 2100, sẽ có 10% dân số của Việt Nam bị tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu, thiệt hại hàng năm cũng mất khoảng 9% GDP.


Khi nước biển dâng thêm 1 mét thì TPHCM cũng bị ngập đến 20% diện tích - Ảnh: Văn Nam

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết tại chương trình Dân hỏi bộ trưởng trả lời trên Đài truyền hình Việt Nam tối nay (5-4).

10 năm gần đây (từ 2001 – 2010) con số người chết và mất tích do thiên tai khoảng 9.500 người, thiệt hại mất khoảng 1,5% GDP hàng năm.

Theo ông Quang, nguyên nhân được cho là do tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động phát triển kinh tế của con người dẫn đến phát thải khí nhà kính ngày một tăng lên, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên, nước biển sẽ dâng lên.

Có 5 quốc gia trên thế giới chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và cuối thế kỷ này (năm 2100), nhiệt độ trung bình mỗi năm của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C, kéo theo mực nước biển sẽ dâng lên và theo kịch bản cao nhất là sẽ dâng đến 1 mét. Nếu nước biển dâng cao thêm 1 mét thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập đến 39% diện tích, TPHCM bị ngập đến 20% diện tích, các tỉnh đồng bằng sông Hồng có biển ngập 10% diện tích và các tỉnh miền Trung ngập khoảng 3% diện tích.

“Về tác động chung thì sẽ có 10% dân số của Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu, thiệt hại hàng năm cũng mất khoảng 9% GDP. Con số thiệt hại này rất ghê gớm”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết một trong những giải pháp cần thiết là thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại. Mục tiêu trước mắt từ nay đến năm 2020 Việt Nam nặng về giải pháp thích ứng là chính, giai đoạn sau đó đến năm 2050 có thể ưu tiên biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giải pháp trước mắt trong 5 năm tới là trồng rừng ngập mặn. Đây là bước đi phù hợp bởi rừng ngập mặn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu rất hiệu quả. Trước đây chúng ta có một diện tích rừng ngập mặn rất lớn, nhưng do phát triển kinh tế, do phong trào nuôi tôm rộ lên một thời gian nên một diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp.

Dẫn chứng là từ năm 1943 đến nay, Việt Nam có khoảng 242.000 héc ta rừng ngập mặn bị xóa bỏ để làm các dự án kinh tế.  Nhiệm vụ bây giờ là phải phục hồi, khôi phục lại rừng ngập mặn. Ngoài ra Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ xây dựng các đê chắn sóng, xây các cống ngăn mặn, giữ ngọt nơi xung yếu, chống ngập cho TPHCM và thành phố Cần Thơ.

Theo Thesaigontimes.vn

Từ Khóa:  BĐKH  biến đổi khí hậu