13/04/2015 10:42:56 SA

 

Làng nhiễm độc chì

Chính nghề thu gom ắc quy, tái chế chì vào loại lớn bậc nhất cả nước đã giúp cho cuộc sống của người dân xã Chỉ Đạo (H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) trở nên sung túc hơn. Nhưng hậu quả là chỉ tính riêng thôn Đông Mai của xã này đã có tới hơn 200 trẻ em nhiễm độc chì.


Ắc quy cũ hỏng được phá dỡ hết sức thủ công

Dù hiện nay, lượng chì thành phẩm xuất qua Trung Quốc đã không còn được nhiều như vài năm trước, nhưng khi chạy xe dọc ngang đường làng, không khó để bắt gặp những chiếc xe tải đủ kích cỡ chất đầy ắc quy phế phẩm. Đó là số bình ắc quy thải được thu gom từ khắp nơi chở về làng, sau đó đưa tới các hộ gia đình để phá dỡ, trước khi chuyển tới lò nấu ra chì thành phẩm.

Theo các chủ lò, hiện mỗi ngày Chỉ Đạo xuất đi ngót 100 tấn chì thành phẩm. Và để cho ra lò từng đó số chì thành phẩm, thì phải cần tới cả trăm tấn ắc quy phế phẩm được đưa về làng mỗi ngày.

Thu gom “chất độc” khắp nơi

Qua giới thiệu, chúng tôi tìm tới cơ sở thu gom bình ắc quy của Khoa “mắn” nằm sâu trong ngõ nhỏ ở thôn Đông Mai. Đó là một khu vực được xây tường bao kín mít, chỉ có duy nhất một cửa vào. Vừa bước vào bên trong, mùi a xít đã nồng nặc xộc thẳng lên mũi. Những chiếc vỏ bình ắc quy vứt ngổn ngang. Trong khoảng sân nhỏ, có tới 6 - 7 người đang hì hục đập, phá vỏ bình để lấy lõi. 

Những lao động này thản nhiên tiếp xúc với thứ vỏ bình nhiễm chất độc hại mà không hề có phương tiện bảo hộ lao động nào. Cùng với đó, thứ nước a xít đặc sệt, đen ngòm cũng bị thải ra cống rãnh, trước khi tuôn thẳng ra hệ thống mương máng nội đồng. 

Một số người làm công trong cơ sở của Khoa “mắn” cho hay tiếp xúc với vỏ bình ắc quy liên tục sẽ dẫn đến việc hít phải khí độc hại từ a xít, dẫn đến các bệnh về phổi... Trường hợp khỏe lắm cũng chỉ trụ được với nghề không quá 5 năm.





Ắc quy cũ hỏng được người dân xã Chỉ Đạo thu mua - Ảnh: Hà An

Ông Hai (48 tuổi, ngụ thôn Nghĩa Lộ), người có gần 20 năm kinh nghiệm, cho rằng nghề thu gom ắc quy hỏng rồi tái chế ra chì thành phẩm giúp nhiều hộ gia đình ở Chỉ Đạo có “của ăn của để”. Nên trong xã hiện có gần 500 hộ ngược xuôi từ bắc vào nam mỗi ngày thu mua ắc quy hỏng về chặt ra lấy chì. Các loại bình thu mua bao gồm: bình ắc quy các thiết bị viễn thông, xe máy, xe chở khách trong khu du lịch, xe nâng hàng, xe tải... nhưng nhiều nhất vẫn là bình ắc quy xe đạp điện.

Hàng chục người chết vì ung thư

Ông Lê Huy Gương, Trưởng thôn Đông Mai, nhìn nhận do chưa có công nghệ hiện đại nên tất cả công đoạn đều làm thủ công, sơ chế qua loa, khiến môi trường bị hủy hoại, còn người dân lãnh đủ. Cụ thể, quá trình sơ chế, a xít sunfuric - thứ dung dịch còn lại trong bình ắc quy phế phẩm, bị các cơ sở đổ bừa bãi khắp nơi. Vỏ nhựa của bình ắc quy cũ cũng được người dân tận dụng làm tường rào trong gia đình, làm kè bờ ao, làm đường đi...

“Hãi hùng nhất là khi các hộ dân đem những rổ nan đựng nguyên những thanh chì còn dính a xít sunfuric lấy từ bình ắc quy đem xuống ao, sông của làng để rửa, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trầm trọng. Nguy hại hơn, nhiều hộ sản xuất còn cất chì thanh chưa nấu, rồi chì thành phẩm ngay trong nhà, dưới gầm giường... và vô tư sinh hoạt, ăn uống...”, giọng ông Gương đầy xót xa. 

Theo ông, đây là nguyên nhân dẫn tới nhiễm độc chì, gây nên một loạt những cái chết có liên quan tới căn bệnh ung thư. Chỉ tính từ tháng 1.2010 đến tháng 10.2014, toàn xã có 38 người chết vì ung thư phổi, gan, vòm họng, dạ dày. Trong đó thôn Đông Mai có 16 người, mà hầu hết là những người trẻ.

Bà Đặng Thị Lý, Trạm trưởng Trạm y tế xã Chỉ Đạo, cho biết mới đây Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) công bố kết quả xét nghiệm sàng lọc của 109 trường hợp trẻ dưới 10 tuổi ở thôn Đông Mai, thì 100% có hàm lượng chì trong máu vượt quá giới hạn bình thường từ 2 - 7 lần. 

Trong khi đó, chì trung bình trong không khí đo được đã vượt tiêu chuẩn 3,47 lần. Hàm lượng chì trong đất bề mặt cao gấp 10 lần, trong bụi cao gấp 11 lần mức cho phép. Còn trong thực phẩm thì hàm lượng chì cũng vượt tiêu chuẩn cho phép 4,61 lần. 

“Ngoài thôn Đông Mai, các thôn lân cận khác như Trịnh Xá, Nghĩa Lộ... cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ nghề làm chì. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, các thôn này còn có hơn 1.000 trẻ em dưới 10 tuổi chưa được xét nghiệm sàng lọc để kiểm tra độ nhiễm chì trong máu”, bà Lý nói.

Trong khi đó, ông Khúc Chí Thông, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng H.Văn Lâm, cho biết trong báo cáo của Viện Blackmith (Mỹ) đã đưa ra kết quả ở Đông Mai có tới 209 trẻ bị phơi nhiễm chì. “Do hạn chế về nguồn kinh phí và khoa học kỹ thuật nên cuộc khảo sát chỉ thực hiện trên quy mô nhỏ. Tuy nhiên, đó cũng là con số đáng báo động về thực trạng ô nhiễm ở làng nghề Đông Mai”, ông Thông nói.


Các bể chứa dung dịch a xít từ ắc quy cũ

Chính quyền xã bất lực

Trong buổi làm việc với PV Thanh Niên vào ngày 9.4, ông Lê Văn Lệ, Phó chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo, cho biết nhận thấy hậu quả từ việc sản xuất chì bằng phương pháp thủ công, nên từ 4 năm trước, chính quyền xã đã yêu cầu các hộ làm chì di dời tới cụm công nghiệp làng nghề rộng 21 ha, cách xa khu dân cư khoảng 1 km, chấm dứt việc sơ chế trong thôn. Tuy nhiên đến nay cũng chỉ mới có 2 cơ sở chuyển tới cụm công nghiệp làng nghề.

“Chủ thầu không chịu đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường đi, lưới điện, lò nung… thì thử hỏi các hộ làm nghề sao dám vào khu công nghiệp để tiếp tục theo nghề cho được”, ông Lệ phân bua. 

Hà An - Thanh Tâm (Báo Thanh Niên)

Từ Khóa:  Tác động do ô nhiễm không khí