Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng - một hướng đi bền vững
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại cuộc họp
Chiều ngày 9/4, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011 - 2020) lần thứ VIII. Tham dự phiên họp còn có lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TN&MT, Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng… đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo UBND và đại diện một số Sở, ban ngành 5 tỉnh Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2014 là năm đầu tiên ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp với nhiều hoạt động đã được triển khai như: Kế hoạch hành đọng thực hiện Đề án, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất gian đoạn 2014 – 2020; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014 - 2020… Trên cơ sở đó, các địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp đã được triển khai, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo điều kiện cho người sản xuất có thêm nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2014 đều đạt, vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, từ năm 2008 - 2014, diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên giảm từ 2.639.087ha xuống còn 2.253.809ha (giảm 358.797ha) và diện tích rừng trồng tăng từ 155.801ha lên 313.307ha (tăng 131.019ha). Trong đó, rừng giảm 94.817ha (chiếm 26,4%) do chuyển đổi trồng cao su, cây công nghiệp và cây ăn quả, giảm 33.706ha (chiếm 9,39%) do chuyển đổi xây dựng thủy điện, công trình giao thông và công trình công cộng, giảm 88.603ha (chiếm 24,6%) do chặt phá và lấn chiếm trái phép. Ngoài ra, diện tích rừng còn do khai thác gỗ, cháy rừng, sai số điều tra rừng năm 2008 so với năm 2014 (134.902ha, chiếm 37,6%)… Trong năm 2014, trên cả nước phát hiện 25.658 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng (giảm 6% so với năm 2013), nhưng lại để xảy ra 442 vụ cháy rừng (tăng 182 vụ) làm thiệt hại hơn 1.775ha rừng (tăng hơn 804ha).
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến phát biểu tại cuộc họp
Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã cùng nhau thảo luận xoay quanh các chủ đề: sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp ở Tây Nguyên; tăng cường chức năng của cán bộ kiểm lâm; chi trả dịch vụ môi trường rừng; giao khoán đất rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách về quản lý, bảo vệ rừng…
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Bộ đã cùng trao đổi các ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quản lý bảo vệ rừng; đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ban ngành xem xét, đề ra hướng xử lý để giải quyết những tồn tại…
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh: “Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ được rừng đồng nghĩa với việc bảo vệ được tài nguyên đất, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Ngoài việc chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc để mất rừng tại Tây Nguyên trong những năm qua cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô hạn nặng chưa từng có tại địa bàn. Vì vậy, việc quan tâm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi trường sống của con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia”.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ghi nhận những kết quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua tại các tỉnh Tây Nguyên; ghi nhận các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các tỉnh, các Bộ ban ngành và chỉ đạo Bộ NN&PTNT tổng hợp và sớm trình Thủ tướng xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nạn chặt phá, lấn rừng trái phép; tích cực, chủ động ngăn chặn, phòng chống cháy rừng; nâng cao chất lượng rừng sản xuất, đẩy mạnh công tác trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về rừng cho người dân...
Toàn cảnh hội nghị
“Ở nhiều nước trên thế giới, họ đánh giá rất cao tầm quan trọng của rừng trong sự phát triển kinh tế xã hội và môi trường sống nên đã sớm thực hiện việc đa dạng hóa rừng trồng. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng đa dạng sinh học mà còn góp phần giảm thiểu thiên tai do biến đổi khí hậu trong những năm qua. Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như là một hướng đi bền vững”, Phó Thủ tướng nói.
Lê Phước/monre.gov.vn
|