14/04/2015 9:25:48 SA

 

Phát triển đô thị bền vững và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố Cần Thơ









 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

Chiều ngày 13/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Cần Thơ, nhóm chuyên gia Ngân hàng thế giới về Dự án “Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị”. Tham dự có đại diện lãnh đạo UBND, các Sở, ngành tỉnh Cần Thơ; nhóm chuyên gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.

Theo đó,  mục tiêu của dự án nhằm phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố Cần Thơ, thúc đẩy Cần Thơ trở thành trung tâm và động lực phát triển kinh tế-xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng  thời, nhằm giảm sự  tổn thương do ngập lụt tại trung tâm thành phố Cần Thơ và cải thiện kết nối giữa trung tâm thành phố và các khu vực mới phát triển. Điều này sẽ đạt được thông qua đầu tư trong quản lý rủi ro ngập bằng biện pháp công trình và phi công trình đầu tư vào cải thiện khả năng tiếp cận đô thị, bao gồm cả hoạt động vận tải công cộng thông qua một phương pháp tiếp cận quản lý hành lang tích hợp; tăng cường năng lực quản lý tài chính và kế  hoạch tích hợp giao thông với sử dụng đất.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cần Thơ cho biết, Dự án “Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị” được chia làm 3 hợp phần. Cụ thể, hợp phần 1 tập trung chống ngập và vệ sinh môi trường, xây dựng các công trình kè bờ sông kết hợp di dời các hộ dân sống ven sông và cải tạo đường giao thông sau kè; xây dựng các cống ngăn triều, trạm bơm tiêu cho khu vực trung tâm; nạo vét kênh mương, tăng cường khả năng tiêu thoát nước; xây dựng trạm xử lý nước thải và bùn thải. Hợp phần 2, tập trung phát triển hành lang đô thị bao gồm xây dựng một số tuyến đường, làm cầu nhằm tăng cường hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện để kết nối các trục giao thông, kết nối các khu vực đông dân cư và tăng cường các phương án giao thông công cộng của Thành phố; đồng thời xây dựng khu tái định cư và bố trí tái định cư cho những hộ dân phải di dời do thực hiện các hạng mục đầu tư của dự án và hợp phần 3 nâng cao năng lực quản lý đô thị tổng hợp thông qua các hoạt động tăng cường năng lực từ quản lý rủi ro thiên tai, giao thông, phát triển đô thị và tài chính thành phố; bao gồm các hoạt động tăng cường năng lực trong lập kế hoạch, điều phối và ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành.

Toàn cảnh cuộc họp

Theo đại diện nhóm chuyên gia Ngân hàng thế giới, đây là phương án tiếp cận nhằm tăng cường khả năng thích ứng đối với biến đổi khí hậu, với quy mô của dự án rất lớn điều này cho thấy sẽ có nhiều khó khăn và thách thức khi thực hiện dự án, tuy nhiên bên cạnh đó cũng cho thấy khả năng thành công của dự án là rất lớn. Về tổng thể ý tưởng chống ngập lụt, hỗ trợ về kỹ thuật và hạ tầng giao thông là hướng tiếp cận mà Ngân hàng thế giới luôn theo đuổi để triển khai dự án mang lại hiệu quả cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao Ngân hàng thế giới và UBND tỉnh Cần Thơ chuẩn bị cho Dự án này. Theo Thứ trưởng, Bộ TN&MT được Chính phủ giao chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề như: đất đai, môi trường, khí hậu, biển và hải đảo, đo đạc và bản đồ...   nhận thức được việc thực hiện dự án là rất quan trọng nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị bền vững, tương xứng với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa của Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết Bộ TN&MT sẽ tạo điều kiện tối đa để đáp ứng được mục tiêu của Đề án đưa ra.

Bên cạnh đó, trong hợp phần tăng cường năng lực, dự án cần dành một phần thích đáng cho nghiên cứu, xác định rõ những tác động của biến đổi khí hậu đối với Thành phố nhằm có giải pháp thích ứng phù hợp và thiết kế các hạng mục đầu tư bảo đảm khả năng thích ứng lâu dài, bền vững. Đơn cử như vấn đề chống úng ngập, dự án cần phân tích sâu hơn nguyên nhân gây úng ngập thành phố, mức độ ngập úng tương ứng với các tần suất lũ, mưa lớn, triều cường...có tính đến các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từ đó xác định mục tiêu phòng chống và xác định giải pháp, quy mô công trình phù hợp.

Đồng thời, lựa chọn các hạng mục đầu tư thể hiện tính sáng tạo và khả thi khi thực hiện dự án, nên tập trung thực hiện theo một hướng tổng thể và cải tiến điều kiện sinh sống cho người dân, phải chống được ngập lụt cho thành phố là mục tiêu xuyên suốt cần quan tâm.

Đăng Linh - Ảnh: Hưng Nam

Từ Khóa:  Ứng phó với biến đổi khí hậu  ứng phó với BĐKH