Theo ông Lê Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang tiêu tốn quá nhiều tài nguyên khoáng sản của nước ta nên cần phải tiết kiệm. Đối với lĩnh vực xây dựng, các công trình xanh tiết kiệm năng lượng còn là một giải pháp giảm giá thành và căng thẳng giữa cung - cầu. Tuy nhiên, các công trình xây dựng của TP, nhất là công trình lớn, việc tiết kiệm năng lượng chưa được quan tâm đúng mức.
Tiết kiệm 20%-40% chi phí
Xây dựng là một trong những lĩnh vực gây nhiều tác hại cho môi trường, không chỉ vấn đề ô nhiễm mà còn suy thoái tài nguyên khoáng sản.
Ông Autif Mohammed Sayyed, chuyên gia về công trình xanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết mức tiêu thụ năng lượng trong công trình cao sẽ trở thành gánh nặng cho nhà nước (nhập khẩu nguyên liệu, ngân sách dành cho phát triển ít đi…), doanh nghiệp (chi phí hoạt động tăng, lợi nhuận giảm…), người dân (trả nhiều chi phí điện, nước, ô nhiễm môi trường…). Trong khi đó, các công trình xanh có thể giảm đến 20% lượng nước, nhiên liệu, năng lượng. Vì vậy, ngôi nhà xanh có thể tiết kiệm cho túi tiền của gia chủ từ 20%-40% chi phí vận hành.
Việc xây dựng công trình xanh có thể giảm 20%-40% chi phí vận hành
“Tất nhiên, không phải cứ trồng cây xanh hay sơn màu xanh là thành công trình xanh mà do cách kiến trúc và sử dụng các loại vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Vì thế, người ta từng cho rằng các công trình xanh rất đắt đỏ vì chi phí đầu vào lớn. Thật ra, giá trị bất động sản của các công trình xanh sẽ tăng lên rất nhiều. Các công trình không xanh đầu vào có thể thấp nhưng chi phí vận hành về sau là những món tiền khổng lồ. Quan trọng nhất, công trình xanh giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường” - ông Sayyed nói.
Mới đây, WB đã trao chứng nhận công trình xanh cho 2 công trình ở Việt Nam là chung cư Bridgeview của Công ty CP Đầu tư Nam Long (TP HCM) và cụm công trình FPT (Đà Nẵng). Trong thiết kế và xây dựng, chung cư Bridgeview đã giảm được 31% chi phí năng lượng (dùng kết cấu che nắng ngoài, sơn phản quang cho tường bao và mái, đèn tiết kiệm điện…), 22% chi phí nước (dùng vòi sen dòng chảy thấp, bệ xí xả nước 2 nấc…), 34% vật liệu xây dựng (tường bao…). Cụm công trình FPT cũng giảm được 21% chi phí năng lượng, 32% chi phí nước và 20% lượng vật liệu xây dựng.
Khuyến khích lẫn xử phạt
Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng - cho biết liên quan đến công trình xanh có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013 về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo quy chuẩn này, việc đầu tư công trình xanh bắt buộc từ khi lập dự án xây dựng, thẩm định, thẩm tra thiết kế. Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chuẩn 09:2013 còn nhiều hạn chế, chủ đầu tư xem nhẹ, các đơn vị tư vấn được giao trách nhiệm thẩm tra chưa quan tâm, thậm chí bỏ qua. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ thành lập đoàn kiểm tra để làm việc với các địa phương xem việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khâu thẩm tra, thẩm định dự án được thực hiện như thế nào.
Cũng theo ông Thịnh, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011; Nghị định 134 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành từ năm 2013, dù mức phạt cao nhất chỉ 100 triệu đồng nhưng đến nay cũng chưa có ai bị phạt. Bộ Xây dựng đang đề nghị Bộ Công Thương rà soát và xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật.
“Ở nước ta, các ban quản lý dự án đứng ra thực hiện công trình, sau đó chuyển giao cho người thụ hưởng nhưng để thuận lợi quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư thì chọn thiết bị đơn giá thấp, công nghệ cũ… Đến khi chuyển giao cho người sử dụng thì họ “lãnh đủ” các khoản chi phí vận hành, môi trường cũng ô nhiễm. Vì thế, ngoài xử phạt hành chính, sắp tới, khi xây dựng các thông tư hướng dẫn, chúng tôi yêu cầu có hình thức phạt bổ sung, ví dụ: đầu tư các thiết bị không đạt quy chuẩn thì bắt buộc phải thay thế” - ông Thịnh nêu giải pháp.
Tuy vậy, kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy ngoài xử phạt cũng phải có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện những công trình xanh. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang khảo sát, tổ chức kiểm toán năng lượng chi tiết tại 75 công trình có diện tích trên 2.500 m2 sàn trong cả nước. Trên cơ sở kết quả khảo sát, bộ sẽ xây dựng cơ chế chính sách, định mức đơn giá, đào tạo… áp dụng cho việc thực hiện công trình xanh.
Theo Minh Khanh (Báo Người Lao Động)