Chi trả dịch vụ sinh thái biển: Gõ cửa tiềm năng lớn!
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (HST) biển (PES biển) được xem là cơ chế thúc đẩy việc tạo ra và sử dụng các dịch vụ sinh thái bằng cách kết nối người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ HST. Tuy nhiên khái niệm PES biển đối với Việt Nam còn khá mới, cần có những nghiên cứu để đánh thức những tiềm năng này.
Việt Nam có hệ thống các hệ sinh thái biển đa dạng, bao gồm 155.000 ha rừng ngập mặn, khoảng 1.300 km2 rạn san hô, gần 500 km2 đầm phá và khoảng 16.000 ha cỏ biển, nhiều khu vực bãi triều và cửa sông. Các hệ sinh thái này đã cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng cho người dân, với khoảng 20 triệu người gián tiếp chịu tác động của các dịch vụ này, 8 triệu người nghèo trực tiếp sống phụ thuộc vào các hệ sinh thái.
Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng, tổng giá trị các sản phẩm dịch vụ của hệ sinh thái rạn san hô của nước ta ước tính vào khoảng 100 triệu USD, trong đó 1 km2 rạn san hô có thể cung cấp lượng hải sản đánh bắt lên tới 10.000 USD. Tại đồng bằng sông Cửu Long, 1 km2 rừng ngập mặn có thể cung cấp lượng đánh bắt 450 kg hải sản. Mỗi năm, hệ sinh thái cỏ biển cung cấp lượng thủy sản và các dịch vụ có giá trị trên 20 triệu USD. Còn giá trị mà đầm phá mang lại ước tính lên đến trên 2.000 USD/ha.
Tiềm năng từ các hệ sinh thái biển mang lại là rất lớn, tuy nhiên cho đến nay tại Việt Nam, các nỗ lực phát triển thị trường hệ sinh thái mới chỉ tập trung vào việc đo đếm giá trị và phát triển thị trường cho các dịch vụ do rừng cung cấp. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 20 HST biển và ven bờ phân bố trên 1 triệu km2 diện tích ở Biển Đông cùng với đó là các dịch vụ HST kèm theo đảm bảo sự phát triển bền vững KT-XH quốc gia. Đặc biệt các hoạt động kinh tế biển có gắn kết chặt chẽ với việc khai thác và sử dụng các dịch vụ HST.
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển cân bằng giữa lợi ích khai thác và bảo tồn. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Theo các chuyên gia, việc áp dụng PES biển ở Việt Nam còn hạn chế về phạm vi và đối tượng áp dụng mới chỉ dừng ở việc thu phí dịch vụ tham quan các khu bảo tồn, tham quan du lịch; xây dựng các thương hiệu thủy hải sản…
Điển hình như tại Nha Trang hiện đang áp dụng hai loại phí tham quan cho khách du lịch gồm: Phí thắng cảnh được áp dụng cho toàn bộ du khách tham quan bằng tàu; phí bảo tồn được áp dụng cho các du khách tham gia các hoạt động tại vùng lõi của Khu bảo tồn như lặn có bình khí, mặt nạ snorkeling để ngắm san hô.
Ở vịnh Hạ Long trung bình một năm thu được 5,3 triệu USD từ các loại phí tham quan vịnh, các hang động trong vịnh và được giữ lại 45% cho các hoạt động quản lý vịnh. Còn tại VQG Côn Đảo, sự khác biệt rõ nhất với các khu bảo tồn khác là có bãi đẻ trứng tập trung của rùa biển nên hàng năm, nơi đây đón một lượng lớn khách tham quan. Kinh phí phục vụ cho công tác bảo tồn được thu từ rất nhiều nguồn như phí lưu trú, phí danh thắng, phí nghiên cứu khoa học… Bên cạnh đó, VQG đã thí điểm thành lập Quỹ Bảo tồn rùa biển. Đây là Quỹ được thành lập từ nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện của du khách và chỉ sử dụng cho mục đích bảo vệ các bãi đẻ trứng của rùa biển thuộc phạm vi VQG Côn Đảo.
Hiện nay, một số địa phương đang xây dựng các thương hiệu thủy sản xanh nhằm tôn vinh những sản phẩm áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi trồng thân thiện với môi trường như nghêu Bến Tre, ngao Nam Định. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà cũng đang xây dựng các sản phẩm mang danh hiệu và biểu tượng gắn với các tiêu chí BVMT biển như nước mắm, tu hài, bào ngư. Giá bán trên thị trường của các sản phẩm này đã bao gồm một phần phí để chi trả cho công tác bảo tồn tài nguyên sinh vật biển. Mặt khác, trên thị trường các sản phẩm này đang được người tiêu dùng ủng hộ do nhận thức người dân được nâng cao đối với các sản phẩm từ biển sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.
UBND các huyện ven biển đã ký hợp đồng giao rừng ngập mặn ven biển: Người dân tham gia vào việc bảo vệ rừng ngập mặn được trả kinh phí bảo vệ rừng với mức chi trả của ngành nông nghiệp là 100.000 đồng/ ha/năm. Trên thực tế, định mức chi trả này là quá thấp. Do vậy, người dân thường kết hợp các hoạt động kinh tế khác như nuôi trồng, khai thác hải sản trong rừng ngập mặn và phát triển du lịch sinh thái.
Các chuyên gia cho rằng, để việc áp dụng PES một cách hiệu quả, các địa phương trong cả nước cần sớm có quy hoạch bảo tồn tổng thể ĐDSH trong đó có ĐDSH biển theo những quy định chung của Luật ĐDSH. Trong quy hoạch tổng thế phải xác định được các vùng sinh thái có tiềm năng PES biển, lượng hóa giá trị kinh tế của các HST biển. Đồng thời tạo thị trường trao đổi PES biển với việc xác định các đối tác cung cấp và sử dụng dịch vụ của các HST biển.
Cần thúc đẩy việc xây dựng các mô hình quản lý tổng hợp đới bờ do vùng bờ biển là khu vực có các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra năng động. Các công cụ quản lý tổng hợp đới bờ sẽ giúp dung hòa các lợi ích đa ngành; góp phần sử dụng có hiệu quả tài nguyên, các HST biển… BVMT và các dịch vụ HST biển; góp phần phát triển bền vững sinh kế vùng bờ, từng bước tiếp cận nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Theo Phương Anh/Báo Tài nguyên & Môi trường |