15/04/2015 1:58:43 CH

 

Bình Dương đã có hệ thống quan trắc nước mặt tự động



Hệ thống quan trắc nước mặt tự động là một bước tiến mới trong công nghệ kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mà tỉnh Bình Dương đã quyết định đầu tư. Khởi động từ tháng 3/2013, đến nay Dự án đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước mặt của tỉnh Bình Dương đã chính thức đưa vào hoạt động. Dự án đã và đang từng bước góp phần làm thay đổi công tác kiểm tra, quan trắc nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước mặt trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai và Thị Tính.

Nằm trong chuỗi dự án ưu tiên trong Kế hoạch Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015, hệ thống quan trắc tự động nước mặt là một dự án đầu tư rất cấp thiết. Theo kỹ sư Bùi Đức Thuận, Phó phòng Quan trắc hiện trường, Trung tâm Quan trắc tự động tài nguyên và môi trường, tính cấp thiết ở đây là dự án không những góp phần nâng cao trình độ, năng lực quản lý trong công tác bảo vệ môi trường, mà còn vì mục tiêu xây dựng Bình Dương thành nơi có môi trường sống tốt, từng bước cải thiện chất lượng  nguồn nước mặt, nước ngầm khu vực này.

 Ngoài việc giám sát chặt chẽ nguồn nước mặt tại các khu vực đầu con sông lớn, Sở Tài nguyên và Môi trường còn đưa mục tiêu tăng cường thiết bị tự động quan trắc tài nguyên nước đối với môi trường nước mặt khu vực cửa xả và khu vực đầu nguồn cấp nước cho các nhà máy nước nhằm phục vụ việc đánh giá, cảnh báo kịp thời, chính xác các thay đổi về chất lượng nước mặt; phục vụ tốt nhất cho việc cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện quan trắc chất lượng nước mặt bằng thiết bị quan trắc tự động đang được thực hiện  liên tục tại các điểm sông Sài Gòn tại Trạm bơm nước thô Thủ Dầu Một (phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một); sông Đồng Nai tại Trạm bơm nước thô Tân Hiệp (họng thu nước nhà máy nước Tân Hiệp), phường Uyên Hưng, TX Tân Uyên và sông Thị Tính tại Công ty TNHH Vĩnh Nguyên (An Điền, TX Bến Cát). Các điểm này cũng chính là 3 vị trí quan trắc mà Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đã phê duyệt.

 Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Thuận cho biết rất nhiều vấn đề đặt ra để thực hiện dự án. Thông số và ý nghĩa các thông số quan trắc tự động môi trường nước mặt rất quan trọng. Để đồng bộ với mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường nước mặt quốc gia, các thông số được lắp đặt trong giai đoạn 2013 - 2015 bao gồm: pH/ có tích hợp thông số nhiệt độ, DO, độ mặn/có tích hợp thông số Ec và TDS, TSS/có tích hợp thông số độ đục, NO3. Các thông số này đáp ứng theo yêu cầu thực tế cần quan trắc, giúp cho nhà quản lý nắm bắt nhanh, kịp thời hơn những diễn biến chất lượng nước mặt. Và đây là hệ thống mở nên có khả năng mở rộng thêm các thông số khác cho giai đoạn tiếp theo.

 Ngoài ra, các trạm còn trang bị hệ thống bơm và dẫn nước từ sông vào nhà trạm, tủ chứa thiết bị, nhà trạm bảo quản thiết bị quan trắc chất lượng nước, thiết bị truyền - nhận dữ liệu qua mạng không dây GSM/GPRS; hệ thống chống sét trực tiếp và chống sét lan truyền; hệ thống điện… Đối với Trạm điều hành trung tâm, được trang thiết bị máy chủ với phần mềm quản lý dữ liệu, phần mềm điều khiển, được lập trình để nhận toàn bộ dữ liệu từ các trạm quan trắc cơ sở. Hệ thống phần mềm sẽ cung cấp giá trị đo tại các trạm theo nhiều dạng dữ liệu: Số, đồ thị, cảnh báo qua email hoặc tin nhắn, xuất các mẫu báo cáo ra các file excel. Đây là hệ thống mở, có khả năng mở rộng các thông số đo đạc và mở rộng các trạm quan trắc trong tương lai.

 Với kinh phí đầu tư 7,778 tỷ đồng, Dự án hệ thống trạm quan trắc nước mặt tự động đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Đối với môi trường, đây là công cụ đắc lực cho công tác quản lý và quan trắc tài nguyên nước. Đối với xã hội, dự án phục vụ riêng cho công tác dự báo, cảnh báo về các hiện tượng ô nhiễm... giúp cho các nhà quản lý nắm bắt nhanh hơn, kịp thời hơn trước những diễn biến thay đổi đột ngột của môi trường nước mặt, để đưa ra các phương pháp, giải pháp khắc phục nhanh hơn. Đồng thời, thông qua dự án, mạng lưới quan trắc nước mặt trên địa bàn tỉnh là một hệ thống mở, liên tục được bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ Trung ương đến địa phương với sự quản lý thống nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương.

 Riêng đối với kinh tế, hiệu quả mang lại đó là các dữ liệu về chất lượng môi trường nước mặt luôn luôn được cập nhật, giúp cho các nhà quản lý nắm bắt, đánh giá được các diễn biến về chất lượng môi trường nước mặt nhanh chóng để đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, nhằm giảm thiểu tối đa mức độ ô nhiễm môi trường nước mặt, tạo ra những giá trị kinh tế môi trường rất lớn, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước của Bình Dương nói riêng.


Minh Vũ
TN&MT

Từ Khóa:  Quan trắc môi trường  Quan trắc môi trường tự động