Nhiều bệnh viện vi phạm quy định xử lý chất thải y tếĐó là thông tin đã được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị tập huấn công tác quản lý chất thải y tế.
Theo đó, tại 35 bệnh viện tuyến trung ương, chỉ có 22 bệnh viện hợp đồng với Công ty môi trường xử lý chất thải rắn, còn lại 13 bệnh viện (chiếm 37%) tự xử lý. Trong đó, 6 bệnh viện sử dụng lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế và 7 bệnh viện sử dụng hóa chất để xử lý.
Rác thải y tế chính là nguồn gây bệnh. Ảnh minh họa.
Đại diện Cục Quản lý Môi trường cho biết trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện rất nhiều lỗi trong quá trình xử lý rác thải tại các bệnh viện này. Cụ thể, sử dụng chế phẩm diệt khuẩn chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; việc phân loại, thu gom rác thải tại hầu hết các bệnh viện được kiểm tra đều làm chưa tốt.
Theo báo cáo, 6 bệnh viện Trung ương chưa có hệ thống xử lý nước thải đó là: Mắt Trung ương, Nội tiết Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, Điều dưỡng - phục hồi chức năng Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương và Châm cứu Trung ương. Đáng chú ý, phần lớn bệnh viện trong số này đều nằm trong nội thành và tại các khu vực đông dân cư của Hà Nội.
Cũng theo báo cáo này, qua khảo sát tại bệnh viện tuyến Trung ương thời gian qua, việc quản lý chất thải rắn nguy hại còn nhiều bất cập. Trong đó có bệnh viện lưu giữ chất thải rắn y tế quá thời gian quy định (Bệnh viện ĐH Y Thái Bình), có nơi chưa có kho lưu trữ riêng chất thải lây nhiễm, hóa học (Bệnh viện E). Tại Bệnh viện Việt Đức, Cục Quản lý môi trường y tế đánh giá việc xử lý vật sắc nhọn chưa đảm bảo an toàn...
Về quản lý, sử dụng chế phẩm diệt khuẩn tại cơ sở y tế, Cục Quản lý môi trường y tế cũng cho biết có hiện tượng cơ sở y tế mua và sử dụng chế phẩm chưa được cấp phép lưu hành, có hạn sử dụng dài hơn hạn được Bộ Y tế cho phép.
TS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y Tế) cho biết: Thời gian tới, Thanh tra Bộ Y tế tiếp tục tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế và sẽ không báo trước địa điểm kiểm tra.
TS Hà cũng nhấn mạnh, các văn bản đã quy định rõ, cơ sở y tế phải có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí phân loại chất thải y tế tại nguồn, thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn chất lượng môi trường, có kế hoạch, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải gây ra. Đặc biệt, người đứng đầu bệnh viện phải có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế.
Ẩn họa từ rác thải bệnh viện
Rác thải y tế mang nhiều mầm bệnh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân khi không được quản lý, xử lý tốt. Mặc dù rác thải y tế rất nguy hại cho sức khỏe người dân, nhưng việc phân loại, thu gom ở hầu hết các bệnh viện đều làm chưa tốt:
Xử lý nước thải BV rất quan trọng vì nếu không, dễ là nguồn lây bệnh. Tại một số bệnh viện có hệ thống thu gom xử lý nước thải nhưng không đạt yêu cầu, khi nước thải tràn ra ngoài, hoặc có khu vực xử lý chất thải, nhưng khi đoàn kiểm tra đến thì cỏ mọc trước khu vực đến ngang ngực chỉ vừa được cắt, còn nắp để đổ hóa chất xử lý chưa từng được mở.
Vì thế, kết quả kiểm nghiệm cho thấy E.coli rất cao. Nhiều nơi, rác thải như bơm kim tiêm, lọ thuốc đã sử dụng còn để tạm ngay tại phòng làm việc của cán bộ y tế mà không biết rằng, dù lượng ít, nhưng do tích lũy và tiếp xúc nhiều ngày nên vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong khi việc kiểm tra giám sát nhắc nhở lại bỏ quên...
Theo TS. Nguyễn Thanh Hà, lò đốt chất thải y tế có nguy cơ phát sinh dioxin nếu việc xử lý rác thải, vận hành lò đốt không đúng hướng dẫn, nhất là nếu không có hệ thống xử lý khí thải, còn những lò xử lý chất thải thông thường thì không lo phát sinh dioxin. Vì thế, cần rà soát lại lò đốt rác của các bệnh viện xem có vận hành đúng quy trình không,
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vao trò rất quan trọng của việc quản lý và xử lý rác thải bệnh viện, sẽ góp phần phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện về chính sách, cơ chế đặc biệt để giải quyết bài toán về chất thải y tế hiện nay.
Tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện
Vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trong bệnh viện; thực hiện quản lý, xử lý chất thải rắn y tế theo quy định. Tăng cường giám sát quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt rác thải y tế nguy hại ra ngoài. Xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo quy định.
Thường xuyên vận hành hệ thống xử lý nước thải theo quy định, hệ thống xử lý chất thải rắn (nếu có). Định kỳ kiểm tra, giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt chuẩn theo quy định.
Đồng thời, thực hiện công tác đào tạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý chất thải y tế của bệnh viện, chấn chỉnh các tồn tại trong quản lý chất thải y tế của bệnh viện.
Theo Phạm Minh (VnMedia)
|