20/04/2015 8:57:34 SA

 

Coi chừng ung thư phổi từ khí radon từ nhà, đất


Radon là chất ô nhiễm không khí tự nhiên, lọt vào trong các tòa nhà qua những kẽ nứt và các lỗ nhỏ trong nền đất... gây ung thư phổi.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định, radon sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của Urani là nguyên nhân liên quan đến hàng nghìn cái chết mỗi năm do ung thư phổi. Đây là một chất ô nhiễm không khí tự nhiên, lọt vào trong các tòa nhà qua những kẽ nứt và các lỗ nhỏ trong nền đất. Khi phân hủy nó tạo ra những phần tử có thể đi vào phổi, gây thương tổn phóng xạ.


Phương pháp để giảm các mức radon trong nhà là tăng cường thông gió cho không gian. 

Một nghiên cứu mới đây của Anh cho thấy, khoảng 8% các ca tử vong do ung thư phổi ở Anh có liên quan đến Radon, tương đương con số 18.000 người. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cũng đưa ra thống kê, radon là nguyên nhân lớn thứ hai dẫn đến ung thư phổi và gây nên cái chết của khoảng 20.000 người Mỹ mỗi năm.  

Radon là gì?

Radon là một loại khí có tính phóng xạ tự nhiên, sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của Urani, là chất có ở hầu khắp mọi nơi trong lớp vỏ Trái Đất. Radon là nguyên tố hóa học có tính trơ, không liên kết với các nguyên tử vật chất khác, nó thoát qua các vết rạn và lỗ trống rất nhỏ trong mặt đất, rồi khuyếch tán vào không khí. 

Khi hít phải radon và các hạt nhân con của nó, một số phân rã phóng xạ sẽ xảy ra trong phổi chúng ta, gây tổn hại đến mô phổi và dẫn tới ung thư phổi. Càng có nhiều radon trong không khí, hoặc khoảng thời gian chúng ta hít thở không khí có chứa radon càng dài, thì nguy cơ mắc ung thư phổi càng lớn. 

Theo EPA, khối lượng radon có trong không khí có thể được đo bằng các thiết bị chuyên dụng, xác định đặc tính hoạt độ - tốc độ phân rã phóng xạ. Đơn vị đo hoạt độ là becơren (Bq). Theo các kết quả nghiên cứu, nồng độ radon trong không khí ngoài trời thấp hơn trong nhà. Các mức radon thường rất hay thay đổi, tuỳ thuộc vào dòng khí lưu thông qua nhà. 

Ở một số nơi, mức radon có thể rất cao, ví dụ như trong một số hang động, hoặc trong những mỏ Urani dưới lòng đất được thông khí kém. Ngoài trời, nồng độ radon thường vào khoảng 10Bq/m3; nhưng trong nhà có thể từ 20 - 10.000Bq/m3, hoặc thậm chí nhiều hơn nữa. 

Mở cửa để giảm nồng độ radon

Hầu như phần lớn radon trong nhà đều phát ra từ nền nhà, radon khuyếch tán ra khỏi mặt đất và đi vào trong nhà. Theo tài liệu phổ biến kiến thức của Cục Kiểm soát và An toàn Bức xạ, Hạt nhân, hiện nay, Việt Nam chưa có một văn bản chính thức nào khuyến cáo mức nồng độ radon trong nhà bao nhiêu là mức cần can thiệp. 

Cơ quan EPA Hoa Kỳ khuyến cáo, nồng độ radon trong nhà ở mức can thiệp khi vượt quá 4pCi/L (tương đương 148Bq/m3). Tuy nhiên, ở Anh, nơi có nồng độ randon trung bình là 21Bq/m3 và trên toàn châu Âu là 55Bq/m3, mỗi năm vẫn có hàng nghìn ca tử vong do ung thư phổi có liên quan đến radon. 

Các nhà khoa học thế giới cảnh báo, dù nồng độ tiếp xúc với radon thấp nhưng trong thời gian kéo dài thì nguy cơ ung thư phổi vẫn là điều có thể xảy ra. Một phương pháp để giảm bớt nồng độ radon trong nhà là tăng cường thông gió, giúp cho sự chuyển dịch không khí tự nhiên được dễ dàng. Điều đó có thể thực hiện bằng cách mở rộng các ô thông gió trên tường, tạo khả năng lưu thông tự do cho không khí. 

Tuy nhiên, theo KS Nguyễn Phan Sơn, Công ty Cổ phần Tư vấn, Thiết kế, Xây dựng Hoàng Gia, mỗi ngôi nhà đều có kết cấu kiến trúc khác biệt vì thế biện pháp thực hiện phải được xác định riêng biệt. Một ngôi nhà gỗ, hoặc một ngôi nhà được xây dựng trên các cột trụ như nhà sàn, có khoảng cách tiếp đất xa và nếu được thông gió tốt, thì sẽ không có vấn đề gì ảnh hưởng do nồng độ radon cao. 

Với những ngôi nhà được thiết kế xây dựng trên nền bê tông, và thường xuyên đóng kín cửa ra vào, cũng như các cửa sổ thì mức độ Radon trong nhà có thể cao hơn mức trung bình. 

Vì vậy, phương pháp để giảm các mức radon trong nhà là tăng cường thông gió cho không gian bằng cách mở rộng các ô thông gió cho phép sự chuyển dịch không khí tự nhiên được dễ dàng. Trong một số trường hợp, thậm chí có thể phải sử dụng các biện pháp thông gió cưỡng bức phức tạp hơn.

Theo Kienthuc.net

Từ Khóa:  ô nhiễm không khí trong nhà  ô nhiễm không khí