22/04/2015 11:01:27 SA

 

Kiểm kê khí nhà kính - 4 đề xuất quan trọng









 
Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng tăng rất nhanh. Ảnh: MH

Theo quy định, trong Thông báo quốc gia và BUR (các nước đang phát triển phải trình báo kiểm kê khí nhà kính 2 năm/lần), kiểm kê quốc gia khí nhà kính là một trong các nội dung quan trọng, có thể nói là phần chính của hoạt động xác đinh mục tiêu ứng phó BĐKH. Việt Nam là nước đang phát triển, nội dung kiểm kê khí nhà kính đã được thực hiện theo các hướng dẫn của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Tuy nhiên, để cải thiện công tác kiểm kê, đáp ứng cao hơn yêu cầu kiểm kê quốc gia khí nhà kính của quốc tế, Việt Nam cần thực hiện khá nhiều nội dung quan trọng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto, cơ quan thường trực Quốc gia của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành liên quan xây dựng 2 thông báo quốc gia về biến đổi khí hậu, đệ trình Ban thư ký của UNFCCC, lần thứ nhất năm 2000, lần thứ hai năm 2010. Gần đây, theo Quyết định của Hội nghị lần thứ 17, các bên nước tham gia UNFCCC, các bên nước đang phát triển cần đệ trình Báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần (BUR) bắt đầu từ năm 2014.


Trong các lần kiểm kê quốc gia khí nhà kính trước đây, Việt Nam đã thực hiện kiểm kê cho 5 lĩnh vực: Năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, sử dụng đất (thay đổi sử dụng đất) và lâm nghiệp, chất thải. Kiểm kê quốc gia khí nhà kính trong các Thông báo quốc gia và BUR1 vừa qua được chuẩn bị theo hình thức các chương trình hoặc dự án riêng lẻ với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. 
Việt Nam hiện chưa có hệ thống kiểm kê chính thức nhưng nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế đã có được các thông tin: Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng tăng rất nhanh. Năm 2000 là gần 53 triệu tấn CO2, chiếm trên 30% tổng phát thải quốc gia, năm 2010 tương ứng là 141 triệu tấn, chiếm 59%. Năm 2020 được dự báo là 381 triệu tấn, chiếm 82%; năm 2030 là 648 triệu tấn, chiếm 85%.


Song theo đánh giá của các chuyên gia, những con số đưa ra vẫn chưa thật sự sát với lượng phát thải trên thực tế. Trong lần kiểm kê gần đây nhất, phương pháp tính toán, theo hướng dẫn của IPCC có thể tiến hành theo hai cấp (Tier), trong đó cấp 1 là cho phép thực hiện từ số liệu tổng hợp (trên xuống) và sử dụng hệ số phát thải (HSPT) mặc địnhtheo IPCC, cấp 2 thu thập tính toán từ số liệu cơ sở (dưới lên) và sử dụng HSPT đặc trưng của quốc gia. Nhưng trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc thu thập xử lý số liệu từ cơ sở còn gặp khó khăn, thiếu số liệu hoạt động cũng như chưa có nhiều nghiên cứu về HSPT, nên cho tới nay đa phần Tier 1 vẫn được sử dụng trong kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam.


Chính vì vậy, để cải thiện và nâng cao hơn nữa hoat động kiểm kê khí nhà khoa hoc, quản lý cần chuẩn bị chi tiết hơn về tư liệu, tổ chức thức hiện để từng bước thực hiện theo phương pháp cấp 2, tức là tính toán chi tiết từ cơ sở theo hướng tiếp cận dưới - lên.


Để làm được điều này, đối với số liệu hoạt động, theo quy định của IPCC, phải được lấy từ tài liệu thống kê chính thức quốc gia và đảm bảo tin cậy. Các số liệu hoạt động về năng lượng, sau khi chuẩn bị được tập trung ở bảng cân bằng năng lượng quốc gia. Tuy nhiên cho tới nay Việt Nam chưa có cơ quan nào đảm trách nội dung này. Mặt khác, tài liệu Niên giám thống kê quốc gia còn thiếu số liệu năng lượng. Các bảng cân bằng năng lượng đã được xây dựng tuy khá công phu nhưng vẫn còn những tồn tại trong cách phân tổ ngành, số liệu tính toán chưa thống nhất, thiếu thẩm định và quản lý tập trung; đặc biệt tiêu thụ nhiên liệu - năng lượng trong các phân ngành/hạng mục giao thông vận tải; thương mại và dịch vụ; dân dụng, nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản; các ngành khác không sử dụng năng lượng.


Chính vì vậy, để từng bước khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại, cải thiện công tác kiểm kê đáp ứng cao hơn yêu cầu kiểm kê quốc gia khí nhà kính của quốc tế, các nhà khoa học đã khuyến nghị, Việt Nam cần thực hiện 4 nội dung: Thứ nhất, tổ chức xây dựng bảng cân bằng năng lượng quốc gia hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với Tổng cục Thống kê, Viện Khoa học Năng lượng, Viện Năng lượng... thống nhất phương pháp, thu thập số liệu, tính toán, tổ chức thẩm định, quản lý thống nhất; thứ hai, Bộ Công Thương tổ chức nghiên cứu hoàn thiện tiêu chuẩn các loại nhiên liệu sử dụng ở Việt Nam, kể cả nhiên liệu nhập ngoại, hàng năm tiến hành cập nhật; đồng thời tổ chức nghiên cứu xác định HSPT của các nhiên liệu sử dụng ở Việt Nam, trước hết đối với các loại than antraxit Việt Nam; thứ ba, tổ chức xây dựng hệ số phát tán khí nhà kính trong quá trình khai thác, xử lý, vận chuyển than và dầu - khí; thứ tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm kê quốc gia khí nhà kính, xác định rõ nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham gia hệ thống kiểm kê quốc gia khí nhà kính để cung cấp thông tin về các lĩnh vưc ngành.

Minh Vũ/monre.gov.vn

Từ Khóa:  Khí nhà kính