Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết như vậy tại buổi Tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập” ngày 20/4.
Bát Tràng có 1.150 lò nung gốm, trong đó có không ít lò nung bằng than gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường. Ảnh: Trần Tuấn.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Ông Hà Văn Lâm, Trưởng ban đại diện Làng nghề gốm Bát Tràng cho biết, Bát Tràng có khoảng 1.150 lò nung gốm, lượng khói than thải vào không khí rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Từ năm 2000, Bát Tràng đã đưa sử dụng lò nung gốm bằng gas, tuy nhiên, do chi phí xây dựng, lắp đặt cao (khoảng 100 – 150 triệu đồng/lò), nên nhiều gia đình không đầu tư xây. Do vậy, không khí ở Bát Tràng còn nhiều mối đe dọa nguy hiểm.
Đề cập đến thực trạng này, ông Nguyễn Công Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đại Bái (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) cho biết, cùng với làng nghề gò đúc đồng phát triển thì môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm. Theo ông Thành, nguyên nhân chủ yếu do rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, cô bã nhôm … đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề (chủ yếu là các hộ làm hàng mỹ nghệ và hàng dân dụng) có hóa chất như axit, sút,… không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Các hộ đúc, cô phế liệu cũng chưa xây dựng ống khói đạt tiêu chuẩn, đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của nhân dân trong làng.
Cũng theo ông Thành, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ và mặt bằng dân trí thấp. Những hạn chế về khả năng đầu tư, điều kiện cạnh tranh trên thị trường làm tăng mức đầu tư phát sinh và ô nhiễm môi trường. Trong các hộ sản xuất kể cả các công ty TNHH, các xưởng đều được xây dựng sơ sài, là nơi tập kết nguyên liệu và sản phẩm. Diện tích chật hẹp, hệ thống điện, nước lắp đặt tùy tiện không an toàn. Bên cạnh đó, hệ thống thu gom nước thải từ các hộ sản xuất và sinh hoạt cũng chưa được phân loại xử lý mà vẫn đổ trực tiếp ra môi trường...
Theo ông Thành, các máy móc, thiết bị sử dụng ở làng nghề đa phần là loại cũ, mua thanh lý ở các xí nghiệp hoặc mua từ Trung Quốc, hay sản phẩm tự chế tạo nên cơ bản lạc hậu và chắp vá, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.
“Do nhận thức của nhân dân còn thấp, chưa có ý thức chung trong việc bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng môi trường trong làng nghề ngày càng bị ô nhiễm. Người dân làng Đại Bái thường phải hít không khí nặng, có mùi khét do các hộ đúc, cô phế thải đồng, nhôm gây ra, hoặc thường xuyên bị mắc các loại bệnh về đường hô hấp, hoặc về mắt”, ông Thành nhấn mạnh, đồng thời cho biết, qua kết quả theo dõi của trạm y tế xã tính riêng xóm Trại, danh sách tử vong từ năm 2001 đến năm 2014 đã có 23 người chết do các bệnh ung thư.
Làng đúc đồng Đại Bái, Bắc Ninh. Ảnh: Hoàng Hải.
104 làng nghề bị ô nhiễm nặng
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, qua điều tra, Bộ này đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để đến năm 2020. Trong đó có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép. Đây thực sự là con số đáng báo động.
Trong khi tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm gia tăng thì hầu hết các cơ sở tại làng nghề không có biện pháp xử lý chất thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, chất thải của các làng nghề tái chế chất thải (giấy, kim loại, nhựa), dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp … đang là vấn đề bức xúc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Để ngăn ngừa thực trạng này, ông Bùi Cách Tuyến đề nghị trước mắt cần triển khai cụ thể theo lộ trình đã được xác định tại Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề trở lại giá trị truyền thống, phát huy vai trò cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn, không để lại hậu quả khôn lường cho môi trường và sức khỏe con người.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, làng nghề Việt Nam hiện vẫn còn nặng về cá nhân, hộ gia đình, mô hình hợp tác xã còn ít, dẫn đến những hạn chế về thị trường, mẫu mã, chất lượng. Ngoài khó khăn trong việc tiếp cận vốn, việc sản xuất manh mún cũng khiến áp dụng KHCN rất hạn chế tại các làng nghề, kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường... Theo ông Hoàng, việc phát triển các làng nghề muốn đạt hiệu quả cần phải gắn chặt với các chương trình khác ở nông thôn, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới.
Liên quan đến vấn đề môi trường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các địa phương cần làm rõ các giải pháp giải quyết môi trường ô nhiễm là gì? Nguồn vốn vay cũng phải được triển khai trên cơ sở giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài Bộ TN&MT, ông Nhân cũng đề nghị Bộ KH&CN cần quan tâm tới thực trạng này.
Trong khi tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm gia tăng thì hầu hết các cơ sở tại làng nghề không có biện pháp xử lý chất thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, chất thải của các làng nghề tái chế chất thải (giấy, kim loại, nhựa), dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp … đang là vấn đề bức xúc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. |
Theo Tienphong.vn