23/04/2015 9:27:36 SA

 

Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính



Dự án thí điểm canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính có sự tham gia của cộng đồng (VLCRP) giai đoạn 2012 - 2014 được triển khai thực hiện tại 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Dự án do Chính phủ Úc tài trợ, thông qua Chương trình hỗ trợ cộng đồng thích ứng và giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu, với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn như: Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF), Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (MDI), ĐH Cần Thơ, Sở NN-PTNT hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Dự án có quy mô 540 ha/vụ, với hơn 500 hộ nông dân thuộc HTX Phú Thượng, huyện Phú Tân (An Giang) và HTX Kênh 7B, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tham gia.

Qua 11 vụ canh tác liên tiếp, đến nay dự án thí điểm đã kết thúc. Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được xây dựng và phát triển trên nền tảng của kỹ thuật “1 phải - 5 giảm”, kết hợp với phương pháp tưới ướt, khô xen kẽ và bón phân “4 đúng”, tạo ra các lợi ích về bảo vệ môi trường, hiệu quả SX lúa.

Trên cơ sở đó, quy trình được nâng lên thành kỹ thuật “1 phải - 6 giảm” (1 phải sử dụng giống xác nhận; 6 giảm gồm: giảm giống, giảm thuốc BVTV, giảm phân, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát, giảm phát thải khí nhà kính).

Qua thực tế các vụ SX, hiệu quả mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính mang lại rất cao. Cụ thể là tăng thu nhập cho nông dân từ 5 - 10% thông qua việc giảm chi phí SX, giảm mật độ gieo sạ 40 - 50%, giảm chi phí phân bón 15 - 30%, giảm chi phí thuốc BVTV 30 - 40%, giảm lượng và chi phí cung cấp nước 40 - 50%, theo đó giảm chi phí công lao động 20%. Trung bình, năng suất lúa tăng từ 10% trở lên và lợi nhuận ròng tăng 10 - 15%/ha so với canh tác lúa truyền thống của nông dân.

Ngoài ra, còn có những lợi ích khác về an toàn thực phẩm, tạo ra dòng sản phẩm gạo sạch, thân thiện môi trường và vùng nguyên liệu chất lượng cao, ổn định cho chế biến xuất khẩu; tăng hiệu quả kinh tế và sinh kế cho nông dân; hướng đến hiện đại hóa nền nông nghiệp canh tác lúa.

Sau khi dự án thí điểm kết thúc, UBND 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang quyết định duy trì và mở rộng vùng địa bàn dự án ứng dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính lên trên 1.000 ha/vụ, chủ yếu lồng ghép trong chương trình cánh đồng lớn của địa phương

Theo Nông nghiệp VN
TNMT

Từ Khóa:  Ứng phó với BĐKH