23/04/2015 9:55:43 SA

 

Bình Thuận: Thiếu hụt nguồn nước trầm trọng do biến đổi khí hậu

Từ cuối năm 2014 đến nay, tại các tỉnh Nam Trung Bộ đã xảy ra hạn hán nghiêm trọng, trong đó Bình Thuận là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất vì nằm trong vùng có lượng mưa thấp nhất. Hạn hán đã tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Theo dự báo, thời gian tới, tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng, do đó, tỉnh Bình Thuận hiện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn nước nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Hạn hán gia tăng do thiếu hụt dòng chảy

Ông Hoàng Văn Đại, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) cho biết, Bình Thuận là tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, lượng mưa năm phân bố không đồng đều. Bên cạnh đó, những năm gần đây do tác động của BĐKH, dòng chảy năm và dòng chảy mùa lũ trên lưu vực sông thuộc tỉnh Bình Thuận có xu thế tăng nhẹ, dòng chảy mùa cạn có xu thế giảm, điều này dẫn đến tình trạng thiếu nước trên lưu vực ngày càng gia tăng. Nhiệt độ tăng cao, lượng mưa tăng rất ít khiến cho nguồn nước ngày càng khan hiếm.

Thực tế cho thấy, nắng hạn gay gắt từ đầu tháng 7/2014 đến nay đã làm dòng chảy trên các sông, suối của tỉnh Bình Thuận cạn kiệt, nguồn nước trong các hồ chứa bị thiếu hụt nghiêm trọng. Tỉnh Bình Thuận có 45 hồ chứa nước, nhưng hiện nay, đa số các hồ chỉ đạt từ 30% đến dưới 40% dung tích tích nước, một số hồ nhỏ đã cạn, ở ngưỡng mực nước chết, không đủ nước cung cấp cho hoạt động sản xuất và phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, nắng hạn gay gắt đầu tháng 7/2014 đến nay đã làm thiệt hại ít nhất 1.400 ha lúa và hoa màu ở các huyện Bắc Bình, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc. Trong đó, diện tích mất trắng chiếm khoảng 25%, còn lại thiệt hại từ 30% – 70%.

(Hạn hán đã tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ảnh: MH)

(Hạn hán đã tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ảnh: MH)

Riêng vụ đông xuân này, tổng diện tích lúa dự kiến khoảng 33.000 ha nhưng chỉ có 25.000 ha được gieo trồng, giảm khoảng 8.000 ha do thiếu nước. Tại huyện Hàm Thuận Bắc, 3 xã Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ vụ đông xuân này có đến 641 ha bắp lai thiệt hại từ 30 – 70%; riêng số hư hỏng nặng trên 70% chiếm 80 ha. Tổng thiệt hại cây bắp do nắng hạn khoảng trên 1,2 tỷ đồng. Còn tại huyện Hàm Tân, nhiều xã cũng trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Hệ thống nước máy đã ngừng cung cấp do nhà máy nước không có nguồn nước. Địa phương thiệt hại nặng nhất là xã Tân Thắng, với 15ha lúa thất thu do thiếu nước, diện tích 15ha khác bị giảm năng suất. Khoảng 500ha cây trồng khác bị ảnh hưởng giảm năng suất như khoai mì, bắp, đậu các loại, thanh long…

Mùa mưa đến muộn, cần chủ động chống hạn 

Theo các chuyện gia KTTV&BĐKH,  hiện nay, hiện tượng ENSO (sự kết hợp đồng thời của El Nino và La Nina) đang ở trạng thái pha nóng. Dự báo trong những tháng tới, khả năng xuất hiện El Nino vào khoảng 50 – 60%. Khu vực Nam Trung Bộ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi hiện tại, ở khu vực này dòng chảy đang thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 – 30%. Các hồ chứa cũng thiếu nước, nhiều hồ chỉ đạt 40 – 50% dung tích thiết kế, thậm chí có hồ chưa đạt 20%. Do vậy, nhu cầu nước phục vụ mùa khô tới sẽ rất căng thẳng. Khô hạn năm nay sẽ tương tự hoặc có khả năng gay gắt hơn 2003 (năm diễn ra khô hạn trên diện rộng, nhiều hồ chứa mực nước cạn kiệt). Theo nhận định, mùa khô ở Nam Trung Bộ còn kéo dài tới tháng 9. Khoảng thời gian từ tháng 7 – 9 là thời điểm nắng nóng nhất ở Trung Bộ do hầu như không có mưa.

Ông Hoàng Văn Đại, Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết: Nếu như không có một giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ thì tình trạng hạn hán sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Theo một đề tài nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH đến tài nguyên nước tại tỉnh Bình Thuận mới đây của viện khoa học KTTV&BĐKH, thời gian qua tổng dòng chảy năm trên toàn hệ thống sông thuộc tỉnh Bình Thuận có xu hướng giảm nên lượng nước thiếu hụt là rất lớn.

Nguyên nhân bước đầu được xác định là do BĐKH gây ra. Bên cạnh đó, do gia tăng dân số nên việc sử dụng nước cũng tăng theo. Cụ thể là vào giai đoạn 2080 -2099 tỷ lệ dùng nước sẽ đạt ngưỡng lớn nhất, với tổng lượng nhu cầu nước là 1,184 tỷ m3/năm, tăng 582 triệu m3 so với thời kỳ nền 1980 – 1999. Theo tính toán này, thì tổng lượng nước thiếu của toàn tỉnh là 286,98 triệu m3, trong đó, lưu vực sông Lũy thiếu nhiều nhất 118,1 triệu m3 (tương ứng với 41,1%), tiếp đến là lưu vực sông Quao thiếu 107,1 triệu m3 (tương ứng là 37,3%), và lưu vực thiếu ít nhất là lưu vực sông Lòng Sông tương ứng 0,1% tổng lượng thiếu toàn tỉnh.

Theo các chuyên gia, giải pháp chống hạn hiệu quả nhất là tỉnh Bình Thuận cần xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong đó phải có biện pháp bảo đảm nguồn nước, nhất là nước sinh hoạt cho dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước, người dân có giải pháp thay đổi cơ cấu cây trồng, di chuyển vật nuôi đến những điểm thuận lợi hơn.

Theo Linh Nga/ Báo Tài nguyên & Môi trường

Từ Khóa:  BĐKH  biến đổi khí hậu