Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nguy cơ làm xấu chất lượng nướcThảm thực vật ven sông như một chiếc áo che chắn bảo vệ dòng sông. Nó đồng thời thể hiện “sức khỏe” của một dòng sông - Ảnh: Vũ Ngọc Long
Năm 1998, các ông Phạm Văn Miên và Vũ Ngọc Long đã tiến hành thực hiện đề tài “Thu thập và đánh giá các dẫn liệu về khu hệ thủy sinh vật và thực vật sông Đồng Nai”. Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu một số cơ sở khoa học phục vụ quản lý thống nhất và tổng hợp môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai (1999 - 2001)” do Giáo sư Lâm Minh Triết chủ trì, đã được nhiều cơ quan địa phương, trung ương tham gia tiến hành quan trắc, giám sát chất lượng nước và thủy sinh vật một cách cẩn thận.
TS Vũ Ngọc Long hiện là Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN). Ông Phạm Văn Miên nguyên là chuyên gia về môi trường nước của Viện Khoa học môi trường và phát triển (VESDEC), cố vấn của Viện Sinh thái học miền Nam.
Trên cơ sở phân tích các dẫn liệu về thủy hóa, thủy sinh vật học ở sông Đồng Nai, đoạn Hóa An đến Bến Gỗ, từ năm 1991 đến nay đã xác định môi trường nước khu vực này là loại nước đã biến đổi chịu tác động của biển và có khả năng khoáng hóa mạnh. Môi trường nước có xu hướng giảm độ mặn, a xít hóa và nhiễm bẩn từ mức bẩn vừa đến rất bẩn, nhất là đoạn sông Cái và ven bờ từ Hóa An đến Bến Gỗ. Do đó, việc xây dựng một khu đô thị mới trên sông ở đoạn phình ra này sẽ có nguy cơ làm cho chất lượng nước tệ hơn.
Cụ thể, các kết quả quan trắc chất lượng nước có thể xác định đặc điểm của hệ sinh thái đoạn sông Đồng Naitừ Hóa An đến Bến Gỗ là vùng nước chuyển tiếp có xu hướng chuyển sang nhiễm bẩn nặng ở hai bờ và nhánh sông Cái, khu vực Bến Gỗ; có xu hướng a xít hóa do tác động nước thải từ các khu dân cư, các khu công nghiệp và hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp trong lưu vực... Nhìn chung, đây là một vùng không ổn định, dễ bị biến đổi theo chiều hướng xấu khi có sự tác động của con người. Vùng nước mà dự án lấp sông đang triển khai cũng đang là nơi trú ngụ và kiếm ăn của các loài cá, động vật quý hiếm có giá trị kinh tế cao.
Sai lầm kinh khủng về môi trường
Chuyên gia Phạm Văn Miên lấy mẫu nước trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa - ảnh: Độc Lập
Để đánh giá “sức khỏe” dòng sông, đầu tiên cần xem xét sự phát triển và khả năng sống của thảm thực vật ven bờ. Vì nó như một cái áo che chắn bảo vệ giữa dòng sông với các khu vực đất bên trong, nhất là nơi đang phát triển với các khu công nghiệp và khu dân cư đông đúc. Đặc biệt là ở những cồn cát, đất nổi, cù lao giữa ngã ba sông như Cù Lao Phố... thảm thực vật tự nhiên ven bờ sẽ giữ chức năng phòng hộ, giúp bảo vệ lưu vực, lưu giữ nước mưa tràn từ bờ ra ngoài một cách có hiệu quả, chống xói mòn, bổ sung nước ngầm, điều hòa nguồn nước mặt...
Hiện tại, ở khu vực dự án lấp sông, phía bờ bên kia của dự án, khu vực Cù Lao Phố, dưới chân cầu Ghềnh... còn lưu giữ khá nhiều đại diện của thảm thực vật ven bờ nguyên thủy như các cây bần chua, các loài cây si, sung, đa (ficus), cây tràm, cây lá náng, mái chèo, ráng... Ngay cạnh dự án lấp sông tại khu vực Đình thần Phước Lư nay cũng còn lưu giữ lại một nhóm cây xanh cổ thụ như cây dầu lông, cây gõ mật, sao đen, dầu rái... Những loài cây này chịu được ngập, là chứng cứ về một thảm thực vật ven bờ sông giàu có về đa dạng sinh học trước đây. Việc duy trì sự có mặt của đai thực vật ven bờ tự nhiên trong vùng đất ngập nước ven sông như vậy có ý nghĩa rất quan trọng cho sức khỏe của con sông, đặc biệt là vùng nhạy cảm môi trường như đoạn từ cầu Hóa An đến Bến Gỗ như đã phân tích ở trên.
Nếu nhìn theo góc độ này, câu hỏi đặt ra là, tại sao chủ đầu tư và chính quyền địa phương Đồng Nai lại bỏ qua việc cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai bằng cách xây dựng một hành lang thảm thực vật xanh ven bờ như bản thân con sông Đồng Nai đã có từ hàng trăm năm trước đây? Tại sao những thảm thực vật xanh ven bờ khu vực bờ đối diện và vùng xung quanh dự án bị người ta coi thường và bỏ qua? Hình như họ không hiểu và không đánh giá được vai trò và ý nghĩa quan trọng sống còn của thảm thực vật xanh ven bờ và hệ sinh vật thủy sinh của dòng sông. Đó có thể là một quyết định lựa chọn sai lầm kinh khủng cả về môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái nhân văn mà thế hệ sau sẽ xem xét đánh giá rút kinh nghiệm.
Nay chúng ta đã có đủ cơ sở khoa học để khẳng định khúc sông Đồng Nai, đoạn từ Hóa An đến Bến Gỗ là vùng một vùng đất ướt, mang tính nhạy cảm môi trường đặc biệt, và là một hệ sinh thái rất nhạy cảm dễ bị biến đổi khi có tác động của con người. Vậy thì, việc chọn phương án xây dựng một công trình phát triển đô thị đồ sộ ven sông; việc thay thế 7,7 ha diện tích mặt nước sông Đồng Nai bằng một công trình “để đời”, với 108 căn nhà ở riêng lẻ cao 2 - 4 tầng, 3 khối chung cư 22 tầng gồm 450 căn hộ chung cư (diện tích sàn 85.600 m2), khách sạn 5 sao 20 - 22 tầng, cao ốc văn phòng, thương mại dịch vụ 25 - 27 tầng... sẽ là một đe dọa nghiêm trọng cho sự an bình, trong lành của một khúc sông vốn đã nhạy cảm về môi trường sinh thái, nhạy cảm về văn hóa và lịch sử trên mảnh đất miền Đông Nam bộ này.
Chính quyền không biết ai lấp sông Đồng Nai !?
Liên quan đến việc sông Đồng Nai bị lấp ở khu vực xã Tân An, H.Vĩnh Cửu, đến hôm qua cả UBND xã và huyện đều chưa xác định chính xác ai là thủ phạm.
Theo báo cáo của UBND H.Vĩnh Cửu vào ngày 22.4, qua kiểm tra thực tế phần diện tích khu đất đổ thêm rộng khoảng 150 m2 (dài 30 m, rộng 5 m) và độ sâu khoảng 7 m. Khối lượng đất đá đã đổ vào khoảng 1.050 m3 (Biên bản xác minh hiện trường của Phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu ngày 20.4 thể hiện khối lượng đất đã đổ ước khoảng 2.000 m3 - NV). Qua xác minh chủ sử dụng đất là ông Hà Công Thanh (thửa đất số 29) với diện tích 1.353 m2 và ông Hà Duy Học (thửa đất số 30) với diện tích 287 m2. “Việc chủ sử dụng đất có hoạt động vận chuyển đất về đổ san lấp mặt bằng là có cơ sở. Mục đích của việc đổ đất là nhằm cải tạo mặt bằng, chống sạt lở khu đất do nằm cạnh bờ sông tại phía dưới chân cầu 17...”, báo cáo do Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Võ Văn Phi nêu rõ.
Trong khi đó, ông Hà Công Thanh và ông Hà Duy Học nhiều lần khẳng định họ không đổ đất lấp sông. “Cách đây mấy hôm tôi nhận được tin báo có người đổ đất, đá để san lấp mặt bằng. Khi chạy ra kiểm tra thì thấy đúng nhưng tôi không biết ai đổ và đã đổ từ khi nào”, ông Thanh nói
.
Ông Nguyễn Quốc Phiên, Trưởng ấp Thái An (xã Tân An), cho biết: “Cách đây khoảng 1 tháng, khi họ đưa đất đến đổ thì tôi có biết. Nhưng xe đến đổ ào xong là đi ngay, nên tôi không thấy ai ở đó để hỏi. Sau đó, tôi có báo cáo lên xã. Anh Thiệt (Huỳnh Văn Thiệt - NV), Phó chủ tịch UBND xã, nói là của anh Dũng làm bên ngành thuế ở Đồng Nai”.
Trao đổi trực tiếp với chúng tôi tại trụ sở Cục Thuế Đồng Nai, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng phủ nhận việc chuyển nhượng đất của ông Thanh để san lấp mặt bằng. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Chủ tịch UBND xã Tân An, nói: “Lúc ấp báo lên, cán bộ địa chính đi xuống kiểm tra về báo lại là chưa có đổ đất. Giờ ai đổ đất thì chúng tôi cũng không biết”.
Trước thông tin chủ đất không thừa nhập san lấp, chiều 23.4, ông Nguyễn Hải Bằng, Trưởng phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu, nói: “Việc ông Thanh khẳng định không biết ai đổ đất, chúng tôi đang phối hợp với xã để kiểm tra lại. Hiện UBND huyện có thư mời Sở TN-MT và Sở GTVT xuống làm việc để thống nhất hướng xử lý. Nếu có ảnh hưởng đến lòng sông thì chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp khôi phục lại hiện trạng ban đầu của thửa đất”. Về mâu thuẫn số liệu giữa biên bản lập ngày 20.4 của Phòng TN-MT và báo cáo ngày 22.4 của UBND H.Vĩnh Cửu, ông Bằng lý giải: “Lúc trước anh em người ta áng áng mà không đo cụ thể. Trước thông tin từ báo chí, tôi đã cho anh em đo cụ thể, mới xác định khối lượng khoảng 1.000 m3. Chứ không phải 2.000 m3 như ban đầu”.
Bạch Long