Nhà máy tiền tỷ “đắp chiếu”
Huyện đảo Lý Sơn nổi tiếng là “Vương quốc tỏi”, với các điểm du lịch nổi tiếng như Chùa Hang, Đình làng An Hải, Chùa Đục, Miệng núi Lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm linh tự và một số nhà cổ… ngày càng thu hút khách du lịch. Thế nhưng, chính vì địa thế cô lập và dân số ngày càng tăng, khách du lịch đến với Lý Sơn ngày càng nhiều nên rác thải sinh hoạt là vấn đề nan giải của chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của UBND huyện đảo Lý Sơn, lượng rác thải hàng ngày của hơn 20.000 cư dân trên đảo vào khoảng 20 – 30 tấn. Không có hệ thống xử lý rác thải tập trung, người dân hầu hết đều đem rác quẳng xuống biển. Trước thực tế này, năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã quyết định hỗ trợ huyện đảo Lý Sơn xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn, khắc phục một phần tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Cuối tháng 1/2015, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Lý Sơn có kinh phí hơn 30 tỷ đồng, công suất xử lý hơn 15 tấn rác/1 ngày đã hoàn thành và vận hành thử nghiệm thành công. Thế nhưng sau 4 tháng, nhà máy này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động vì thiếu kinh phí vận hành.
Từ khu vực cầu cảng đến vũng neo đậu tàu thuyền, dọc bờ biển quanh huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi nào cũng dày đặc rác thải. Từ chai lọ, bao nilon cho đến mọi thứ rác thải hàng ngày bị sóng biển cuốn trôi tấp vào bờ thành từng ụ lớn, gây ô nhiễm môi trường. Mỗi khi đảo chuẩn bị sự kiện lớn, các ban ngành của huyện mới bắt đầu huy động nhân dân ra quân dọn vệ sinh môi trường. Còn những ngày thường, chẳng ai quan tâm, rác thải vẫn chỉ duy nhất một con đường: từ nhà ra biển!. Ông Trương Tấn Triêm, ở thôn Đông, xã An Hải cho biết: Gia đình xử lý bằng cách quét dọn rồi đưa ra ngoài nước biển bỏ. Nước đẩy trôi đi rồi làm gì mà ô nhiễm. Biển đảo mà ô nhiễm gì. Đất làm hành, làm tỏi hết rồi lấy gì mà chôn lấp.
|
Do nhà máy xử lý rác thải Lý Sơn chưa hoạt động nên người dân vẫn vô tư đổ rác thải xuống biển |
Xã hội hóa xử lý rác thải
Ông Lê Mỹ Liên - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Phí thu không đảm bảo cho hoạt động của nhà máy, cho nên yêu cầu phải có nguồn ngân sách của địa phương. Ngân sách địa phương thì không có khả năng đáp ứng được. “Bây giờ đang định hướng phải xã hội hoá, kêu gọi người dân và doanh nghiệp đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Trước mắt, đội thu gom rác ở Lý Sơn cần được thành lập để tăng cường thu gom. Sau đó, trên cơ sở thực tế xã hội hoá sẽ tiếp cận lại đề án của huyện Lý Sơn cũng như những đề xuất mới” – ông Liên khẳng định.
Trước đề xuất của Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản thống nhất việc xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Lý Sơn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lý Sơn tổ chức tiếp quản, vận hành Nhà máy xử lý rác thải khi được Bộ TN&MT bàn giao, đồng thời xây dựng phương án thực hiện xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Lý Sơn theo quy định. Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND huyện Lý Sơn lập phương án theo quy định, làm cơ sở để UBND huyện Lý Sơn triển khai thực hiện. Đồng thời đồng ý chủ trương việc thành lập Đội Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Lý Sơn để thực hiện nhiệm vụ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, các tổ chức, nơi công cộng và các điểm hoạt động dịch vụ trên địa bàn huyện.
|
Rác thải vẫn ngập tràn bờ biển Lý Sơn - Quảng Ngãi |
Theo ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Lý Sơn vào hoạt động sẽ cơ bản giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và đáp ứng mong đợi của bà con trên đảo. Thế nhưng nguồn kinh phí cho vận hành nhà máy vượt ngoài khả năng của địa phương. Về lâu dài, huyện đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN&MT để xây dựng Dự án xử lý rác thải bền vững huyện đảo Lý Sơn. Nếu dự án đi vào hoạt động, huyện sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền để người dân có giải pháp phân loại rác tại nguồn, để phục vụ dự án này hiệu quả hơn.
Đảo Lý Sơn nằm cách đất liền hơn 15 hải lý, với mật độ dân số hơn 2.200 người/km2, do đó đã gây áp lực lớn về giải quyết môi trường. Lý Sơn có lợi thế tiềm năng du lịch biển, đảo với lượng du khách trong và ngoài tỉnh ra đảo ngày càng nhiều. Bởi vậy, việc giải quyết được bài toán rác thải ở đây không chỉ bảo vệ được môi trường, mà còn có ý nghĩa tạo vẻ đẹp cảnh quan, tạo tiền đề cho du lịch phát triển.
Trong khi chờ đợi Nhà máy và Dự án xử lý rác thải huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đi vào hoạt động, mỗi ngày, hàng tấn rác thải sinh hoạt đều xả trực tiếp ra môi trường xung quanh và đổ thẳng xuống biển gây ô nhiễm môi trường sống của người dân nơi đây.