Cần ưu tiên hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước
Các đại diện chủ trì Hội thảo
Đó là một trong những nội dung chính của Hội thảo “Chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước” do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào ngày 8/5, tại Hà Nội. Ông Võ Tuấn Nhân – Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT, ông Mai Thanh Dung – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường và bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo thu hút đông đảo đại diện của các Bộ: TN&MT, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Công Thương; NN&PTNT cùng đại diện các cơ quan, ban ngành tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế có liên quan.
Hội thảo nhằm hưởng ứng Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước và vệ sinh” của Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới (IPU 132). Nghị quyết của IPU 132 đã kêu gọi nghị viện các nước biến lời nói thành hành động, trong đó cần đẩy mạnh việc ban hành các bộ luật nhằm thực hiện các công ước và điều luật quốc tế liên quan tới quản trị nước và quyền được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh của con người. Nghị quyết cũng yêu cầu các nghị viện dành riêng khoản ngân sách hợp lý để thực hiện quản trị nước một cách hiệu quả.
Ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho biết: Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của nhân loại. Nhưng dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy việc bảo vệ và quản trị tốt nguồn nước được coi là vấn đề ưu tiên trong mục tiêu phát triển đất nước. Trong đó chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước phải được ưu tiên hàng đầu.
Tại Hội thảo, các đại diện đã nghe 7 tham luận của các chuyên gia về pháp luật, tài nguyên nước được khái quát đầy đủ và toàn diện về thực trạng ô nhiễm nước và thực trạng pháp luật KSONN tại Việt Nam. Từ đó để thấy được sự cần thiết hoàn thiện khung pháp lý mang tính thực thi cao.
Ông Võ Tuấn Nhân – Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Đáng chú ý tại Hội thảo là bài tham luận của bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng về vấn đề “Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN)”. Dù vấn đề này đã được thể chế hóa tại nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước nhưng tình trạng ô nhiễm nước có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn. Sau khi đưa ra ví dụ điển hình cho sự ô nhiễm của hàng ngàn con kênh, rạch, suối ở khắp mọi nơi - suối Bưng Cù (Bình Dương), bà Lý cho rằng, để tháo gỡ những bức xúc, giải quyết các vần đề KSONN và phục hồi nguồn nước một cách hiệu quả, cần thiết xây dựng hoàn thiện và ban hành một văn bản pháp luật chuyên sâu, có tính đồng bộ, thống nhất mang tính khả thi cao nhằm điều chỉnh các nội dung về nguồn nước và KSONN ở Việt Nam.
Đồng quan điểm với bà Lý, ông Dương Thanh An – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, hệ thống chính sách pháp luật về KSONN của Việt Nam còn nhiều khoảng trống pháp lý về quy hoạch điều tra, đánh giá môi trường, kiểm soát nguồn thải, khắc phục ô nhiễm, đánh giá sự cố, bồi thường thiệt hại, tổ chức quản lý điều phối, nguồn lực tài chính… Vì vậy cần điều chỉnh các quy định của pháp luật hiện có để tránh chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật hiện có, đồng thời xây dựng Luật riêng về KSONN toàn diện, thống nhất và chú ý lộ trình xây dựng, ban hành Luật.
Hội thảo ghi nhận sự tham gia, đóng góp nhiệt tình của các đại biểu trong việc trao đổi cơ chế hợp tác và chia sẻ nguồn nước, đồng thời đưa ra các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện một cơ chế mới về KSONN ở nước ta. Vì vậy chúng ta cần bắt đầu từ việc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội thảo luận, xây dựng hệ thống pháp lý về nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm nước trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 tới đây.
Thanh Thủy/monre.gov.vn
|