12/05/2015 10:41:11 SA

 

Đà Nẵng: Phát triển cây xanh đô thị theo hướng bền vững



Một trong những tiêu chí quan trọng của “thành phố môi trường” chính là cây xanh đô thị. Hướng đến mục tiêu xây dựng “Đà Nẵng-Thành phố môi trường” vào năm 2020, nhiều chủ trương, chính sách huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, doanh nghiệp trong việc phát triển cây xanh đô thị đã được Đà Nẵng tập trung triển khai trong thời gian gần đây.

Cộng đồng vào cuộc

Thực hiện “Năm văn hóa văn minh đô thị 2015”, UBND thành phố Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp trên địa bàn thành phố. Trong đó, năm 2015, thành phố tăng cường hoạt động trồng, chăm sóc cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ để tạo diện mạo mới về cảnh quan của thành phố. Để thực hiện nội dung này, thành phố tập trung vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoặc đóng góp kinh phí trồng cây xanh công cộng; trồng, chăm sóc cây xanh trên các khu đất quy hoạch công viên, vườn hoa, vườn dạo trên các tuyến đường và khu dân cư.

Theo thống kê, tổng số cây xanh trên địa bàn thành phố do Công ty Công Viên Cây xanh TP Đà Nẵng quản lý là 88.000 cây xanh bóng mát, trên 90.000 m2 thảm cỏ, thảm hoa; trên 31.000 cây cảnh, cây tạo hình. Ở thời điểm trước khi cơn bão số 11 năm 2013 gây thiệt hại trên địa bàn, tại Đà Nẵng, ước tính, độ che phủ cây xanh bình quân khoảng 5,27m2/người. Tuy nhiên hiện nay con số này đạt khoảng 4,85m2/người. Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu theo Đề án phát triển cây xanh đô thị là đến năm 2015 độ che phủ cây xanh bình quân đạt 7-8m2/người.

Để đảm bảo mảng xanh đô thị, năm 2013 UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2013- 2015 theo tiêu chí thành phố môi trường, tạo kiến trúc cảnh quan, tạo những không gian xanh riêng và hỗ trợ chương trình thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, mỗi quận đã triển khai thí điểm 01 tuyến đường, trong đó việc tổ chức xây bồn hoa, trồng thảm hoa, thảm cỏ trên vỉa hè… bằng nguồn vốn huy động ngoài nhà nước. Nhiều gia đình ở tại các khu dân cư đã không ngần ngại đầu tư thêm trên 10 triệu đồng để trồng cây xanh trước nhà. Ông Trần Mỹ Thanh, Tổ trưởng Tổ dân phố 40, phường Hòa Thuận Tây cho biết, đến nay Khu phố này đã huy động người dân đóng góp hơn 10 triệu đồng, trồng 40 gốc cây xanh, làm bồn hoa dưới góc 2 bên đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Súy. “Chi phí làm một bồn hoa từ 300 đến 400 nghìn đồng, vận động những hộ dân ở trong ngõ hẻm góp tiền, còn hộ ở mặt tiền bỏ công chăm sóc, tưới cây, bảo vệ cây hàng ngày”- ông Thanh cho biết

Theo ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng: Chủ trương xã hội hóa kêu gọi người dân, doanh nghiệp chung tay trồng và chăm sóc bảo vệ xây xanh rất hợp lòng dân. Sau một năm thực hiện Đề án xã hội hóa phát triển cây xanh giai đoạn 2013-2014, hàng chục mô hình xã hội hóa được triển khai và đang có sức lan tỏa trong cộng đồng. Cụ thể như mô hình “công viên khu phố” ở tổ 40, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu; Bà con ở 2 tổ dân phố 195 và 196  phường An Khê, quận Thanh Khê; Công ty Cổ phần  Dinco…

     Phát triển cây xanh tầm nhìn dài hạn

UBND thành phố Đà Nẵng vừa giao Sở Xây dựng thành phố xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ GIS để lập cơ sở dữ liệu quản lý cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với kinh phí gần 250 triệu đồng. Trước đó, năm 2006, Công ty cây xanh Đà Nẵng đã thực hiện việc quản lý cây xanh bằng phần mềm. Theo đó, tất cả cây xanh đều được đánh số và toàn bộ lý lịch của từng cây xanh, như vị trí, chủng loại, thời gian trồng và chăm sóc, diện tích che phủ, tình trạng sinh trưởng... được đội ngũ kỹ sư, công nhân phụ trách các địa bàn của công ty cập nhật vào phần mềm.

Công tác quản lý cây xanh có đặc điểm là quản lý với số lượng lớn, có tính đặc thù về mặt không gian địa lý và biến đổi theo thời gian. Việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để quản lý cây xanh sẽ cho phép thể hiện tất cả hình ảnh của cây xanh ngay trên màn hình, cung cấp các thông tin liên quan như cây gì, ở đâu, tình trạng sâu bệnh và hạ tầng liên quan... Thông qua đó, cơ quan chức năng có thể nâng cao hiệu quả công tác quản lý về quy hoạch, trồng, duy trì và bảo vệ, quản lý và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị xanh, sạch, đẹp.

Ông Lê Tùng Lâm cho biết thêm, thời gian tới, Sở Xây dựng thường xuyên tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí hoặc tự bỏ kinh phí xây bồn hoa, đúc chậu cây, trồng cây xanh, chăm sóc cây xanh... ưu tiên gắn bảng tên, biểu tượng của các tổ chức, cá nhân trên bồn hoa, chậu cây; khuyến khích cơ quan và người dân tích cực trồng cây xanh trong công sở và nhà ở của mình. Chính quyền các cơ sở duy trì phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Tết trồng cây”, “Khuyến xanh”; xây dựng vườn ươm vệ tinh; lập quỹ “Khuyến xanh” nhằm huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư cho cây xanh. Sở Xây dựng cũng hướng dẫn các nhà máy, khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang... trồng cây trong khuôn viên và vành đai cách ly, cây xanh phòng hộ ven biển... Trong đó, đặc biệt chú trọng đến hiệu quả, tránh hình thức theo kiểu hô hào ồ ạt để rồi dẫn đến tình trạng “đánh trống bỏ dùi.

Việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là vô cùng quan trọng trong phát triển cây xanh đô thị. Ông Trần Đình Liễn, nguyên Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng đề xuất giải pháp: cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị bằng các chính sách gắn lợi ích của Nhà nước với lợi ích của cộng đồng và lợi ích của từng cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị.

Những cố gắng trong công tác môi trường của thành phố Đà Nẵng đã được ghi nhận qua các giải thưởng quốc tế về môi trường như Thành phố bền vững về môi trường ASEAN ( năm 2011), Thành phố phát thải carbon thấp (năm 2012), là một trong 20 thành phố xanh-sạch-đẹp (năm 2013) và thành phố Đà Nẵng cũng là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” (năm 2014)… Với tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người dân ở Đà Nẵng đang nỗ lực phủ xanh từng ngôi nhà, con đường và khu dân cư…


Lan Anh – Quỳnh Anh
TN&MT

Từ Khóa:  Cây xanh đô thị