Nỗi lo ô nhiễm
Đà Nẵng hiện có hơn 40 hồ, đầm lớn nhỏ nằm rải rác với tổng diện tích mặt nước 1,8 triệu m2, dung tích chứa nước tối đa hơn 3 triệu m3. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những năm trước đây nguồn nước trên các sông hồ ở TP. Đà Nẵng đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, điển hình là sông Phú Lộc, khu vực Đầm Rong, hồ Đảo Xanh, hồ Công viên 29/3, hồ Thạc Gián.
Hầu hết nước trong các hồ đen xỉn, ngập ngụa rác thải và mùi hôi rất nặng. Nguyên nhân chính là do các hồ ngày ngày phải nhận các loại rác rưởi, chất thải, nước thải sinh hoạt của người dân đổ về. Thêm vào đó, lượng bùn lắng trong các hồ rất cao, năng lực tiếp nhận các chất này trong nhiều hồ đã quá tải.
Cũng trong tình trạng tương tự, khu vực hạ lưu sông Cu Đê bị ô nhiễm nghiêm trọng do phải hứng nước thải chưa được xử lý (khoảng 10.000m3/ngày đêm) từ các KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, cụm công nghiệp Thanh Vinh.
Nằm trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), kênh Đa Cô bị lớp đất đá, rác thải, bùn, bèo, dây leo phủ kín khiến dòng chảy không lưu thông. Mỗi đợt mưa dài ngày, các hộ dân quanh đó chỉ còn biết “chạy” khỏi nhà vì ngập úng.
Một thực tế khác, trên các tuyến đường Bắc Sơn, Yên Thế, phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) và tuyến đường Tân Trào, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) người dân ngày đêm phải hứng chịu mùi hôi thối bốc lên từ con kênh “không tên”. Con kênh này có chức năng thoát nước từ khu vực núi Phước Tường (Cẩm Lệ) đến Hòa Minh (Liên Chiểu) đổ ra sông Phú Lộc, nhưng do cỏ mọc um tùm, rác rưởi tràn ngập… nó đã trở thành nỗi lo của hàng trăm hộ dân nơi đây khi mùi hôi, ruồi, muỗi… liên tục tấn công.
“Đánh thức” sông hồ
Trước thực trạng trên, thành phố đã có nhiều động thái tích cực để cải thiện tình hình như: Nạo vét, xây dựng bờ kè, hệ thống thu gom nước thải và đường quản lý hai bên bờ sông Phú Lộc; xử lý ô nhiễm tại hồ Thạc Gián bằng phương pháp sinh học: thả bèo lục bình, vớt bèo, tảo chết và các chất thải rắn vơi vãi trên mặt hồ, xây dựng hệ thống cống bao, đập tràn quanh hồ để kiểm soát phần lớn nước thải đô thị chảy vào hồ trong mùa khô, sau đó sẽ xử lý mùi hôi do ô nhiễm bằng chế phẩm sinh học.
Đối với hồ Đảo Xanh và hồ Công viên 29/3, thành phố đã sử dụng một số giải pháp kỹ thuật: sử dụng đồng thời thực vật thủy sinh và bổ sung hệ vi sinh phân hủy, thay các ngưỡng tràn bằng các cửa phay để ngăn triệt để nước thải vào hồ, lắp đặt các đập chắn dòng để giảm lượng bùn bồi lắng và ngăn rác thải vào hồ.
Bên cạnh những biện pháp cứu chữa sông hồ, Chủ tịch UBND Thành phố còn ký Quyết định 40/2014/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng... tài nguyên nước trên địa bàn TP. Theo đó, trong khu vực bảo vệ nguồn nước mặt, nghiêm cấm xây dựng bất cứ công trình nào trên bờ, trên mặt nước, dưới mặt nước (trừ các công trình phục vụ cho việc bơm nguồn nước mặt) làm ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước; nghiêm cấm xả nước thải vào nguồn nước sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, ao khi xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định.
Ngoài ra, UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo các quận xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và giảm đầu tư ngân sách Nhà nước, giao sông hồ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ, xử lý ô nhiễm tại các hồ này.
Từ những nỗ lực chung tay góp sức của chính quyền và nhân dân trong nhiều năm liền, hiện nay các sông hồ trên địa bàn TP đã thoát khỏi mùi hôi thối, dòng nước đã trở lại trong xanh, cảnh quan quanh sông hồ cải tạo hoàn toàn. Nhiều bờ hồ còn trở thành nơi thư giãn, hít thở không khí trong lành của người dân và du khách. Đơn cử như hồ Công viên 29/3 là nơi tản bộ, nghỉ trưa, đọc sách; hồ Đảo Xanh là địa điểm chụp hình cưới; hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung đã thí điểm triển khai áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường và đến nay hồ đã có bộ mặt hoàn toàn mới là “lá phổi” của quận Thanh Khê nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung.
Các hồ tại TP.Đà Nẵng có vai trò rất quan trọng trong điều tiết thoát nước mưa, điều hòa vi khí hậu và tạo cảnh quan môi trường đô thị. Trong điều kiện hệ thống thoát nước đô thị là hệ thống chung, công tác quy hoạch và quản lý còn nhiều hạn chế,… sự ô nhiễm chất hữu cơ và phú dưỡng là điều khó tránh khỏi. Tình hình khí hậu nắng nóng khô hạn và mưa lớn kéo dài, trong tương lai mức độ ô nhiễm sẽ có xu thế tăng dần nếu không có biện pháp quản lý phù hợp.