Đó là quan điểm của Gs, Ts Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Khoa học Thủy - lợi được nêu ra tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững lưu vực sông – Thách thức và giải pháp” do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam), Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Hệ thống sông ngòi Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 11/5/2015 tại Hà Nội, nhằm chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững cho các lưu vực sông của Việt Nam.
Ts. Trần Việt Hùng - PCT LHHVN
Tại Hội thảo, GS. Nguyễn Chu Hồi – Đại học Quốc gia HN đã chia sẻ: Các lưu vực sông, vùng bờ biển, biển, đại dương chứa đựng các hệ thống tài nguyên chia sẻ tiềm năng cho phát triển đa ngành và là những vùng nước xuyên ranh giới. Tuy nhiên, phương thức quản lý các hệ thống tài nguyên chia sẻ này phổ biến vẫn bị chia cắt theo ngành, vẫn chú trọng nhiều đến lợi ích ngắn hạn (trước mắt) và bỏ qua lợi ích dài hạn (lâu dài). Nếu tiếp tục phát triển thiếu bền vững và quản lý như vậy chúng ta sẽ phải đối mặt với một tương lai ‘ảm đạm’ do mất cân bằng nước, mất khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm, nguồn năng lượng thay thế cho phát triển, gia tăng đói nghèo và mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng. Hậu quả của các hoạt động phát triển trên lưu vực không hợp lý như: phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản bừa bãi, lấy đi một lượng lớn nước trong các thủy vực, can thiệp “thô bạo” vào chức năng tự nhiên của các thủy vực và toàn hệ thống, cùng với nạn ô nhiễm,…đã tạo ra những căng thẳng mang tính xuyên ranh giới giữa các quốc gia, giữa các tỉnh, các đơn vị hành chính và giữa các vùng tự nhiên. Những căng thẳng như vậy cũng tác động mạnh xuống vùng bờ biển, cộng hưởng với các vấn đề sử dụng không hợp lý tài nguyên và môi trường tại vùng bờ gây ra các tác động ‘lan tỏa’ ra vùng biển bên ngoài.
Quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ dựa trên cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển không còn là phương thức quản lý mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam việc áp dụng nó, trên thực tế, chỉ đang ở bước khởi đầu. Cách thức Quản lý này sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một cách nhìn mới và các cân nhắc thích ứng khi ra quyết định đầu tư cho các dự án mang tầm chiến lược trong quá trình khai thác tài nguyên nước trên lưu vực sông và sử dụng đa ngành ở vùng bờ. Cho nên, phương thức quản lý này sẽ mang lại lợi ích lâu dài và giải quyết được các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên cơ quan, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tranh chấp nguồn nước trên các lưu vực sông, cũng như tranh chấp sử dụng không gian ở vùng bờ đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Việt Nam có nhu cầu thực tế áp dụng phương thức quản lý theo cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển, nhưng rào cản đầu tiên phải vượt qua chính lại là ‘nhận thức’ và đòi hỏi phải có sự ủng hộ cao của các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định đối với các vấn đề liên quan…
TS. Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu cho rằng: Tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ ngoài biên giới quốc gia, điều này đồng nghĩa với việc các hoạt động sử dụng, phát triển tài nguyên nước trên các sông cùng chia sẻ với Việt Nam của các nước láng giềng sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước của Việt Nam. Việc phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ bên ngoài được xem là một thách thức lớn cần vượt qua để phát triển và quản lý tài nguyên nước, vì tổng lượng dòng chảy của các lưu vực sông chính của Việt Nam và tỷ lệ đóng góp từ nguồn nước ngoài biên giới quốc gia. Mặt khác, nước mặt của Việt Nam phân bố không đều theo không gian và thời gian ; Lượng nước bình quân đầu người giảm do dân số gia tăng ; Tài nguyên nước bị suy giảm và cạn kiệt ô nhiễm; Sự phát triển mạnh mẽ các công trình thủy điện lớn vừa, nhỏ đơn mục tiêu (phát điện) trên hầu khắp các sông suối ; Biến đổi của khí hậu Công tác quản lý tài nguyên nước đã được cải thiện nhưng còn nhiều bất cập…Chúng ta phải cấp bách có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên.
Theo Ts. Lê Anh Tuấn - Bộ môn Tài nguyên Nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ thì sông ngòi là tài nguyên cơ sở, là nguồn gốc tạo nên nền văn minh ban đầu cho xã hội loài người. Từ khi biết khai thác nguồn nước sông ngòi, con người đã can thiệp vào tiến trình tự nhiên của sông làm đặc điểm dòng chảy bị thay đổi. Sự thay đổi này có thể mang lại nhiều lợi ích, song cũng gây ra nhiều hệ luỵ bất lợi khác, cả về khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhiều mục tiêu “cải tạo thiên nhiên” trước kia không được như mong muốn, thậm chí đảo ngược, các yếu tố “không chắc chắn” khá nhiều và phức tạp mà khả năng con người không hoàn toàn phỏng đoán được. Xu thế quay về thiên nhiên, sống hoà hợp với các quy luật tự nhiên của dòng chảy hoặc tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho tiến trình tự nhiên được nhiều nhà khoa học lưu ý. Các bài học kinh nghiệm trong cư xử với dòng sông cần phải được học tập và cân nhắc rút tỉa trong các quy hoạch và quyết định triển khai thực hiện.
Cũng tại hội thảo, ông Đỗ Hồng Phấn, một Chuyên gia tài nguyên nước đã phân tích cụ thể các thách thức về quản lý lưu vực sông: Mục tiêu các ngành đều giống nhau là phát triển bền vững. mục tiêu trực tiếp của các ngành trên lưu vực sông là khác nhau, chính vì thế cần sự phối hợp liên ngành, mà Việt Nam lại thường phối hợp một cách hình thức. Tổ chức lưu vực sông là một dạng tổ chức mới, được dự định áp dụng khung thể chế hiện hành của nhà nước là tổ chức phối hợp liên ngành, với những điều kiện không hẳn là tương tự. Nếu không thể áp dụng nguyên xi, thì các điều khoản vận dụng là gì, có được các bên cùng nghiên cứu? Ngoài ra, các tổ chức lưu vực sông đã ra đời ồ ạt kiểu phong trào, nay là bài học được quan tâm đến mức độ nào? Làm thế nào để sự nghiệp quản lý tài nguyên và môi trường lưu vực sông phát huy được tư liệu và kiến thức tích lũy của quốc gia? Trong trường hợp như sông Đồng Nai, yêu cầu của tỉnh về cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông là có thể xem xét đáp ứng, tuy nhiên đây là dòng chính Đồng Nai, vậy đánh giá tác động phải xem xét toàn dòng sông, không chỉ đoạn, khúc sông. Một dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông là loại dự án phát triển vùng, liên quan đến nhiều tài nguyên – môi trường và dân sinh xã hội, vậy cần xem xét trong khung qui hoạch lưu vực sông. Hiện nay chưa có qui hoạch lưu vực sông. Tổ chức lưu vực sông đích thực trong tương lai mới là người giải quyết loại yêu cầu này. Quản lý nhà nước chưa theo kịp yêu cầu của cuộc sống cũng là một trở ngại cho phát triển.
Theo Gs Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Khoa học Thủy lợi Việt Nam: Hiện nay, mặc dù những kế hoạch cho các lưu vực đang chuẩn bị cho các đồng bằng sông Mekong và sông Hồng, và tối thiểu có một số kế hoạch đang thực hiện như lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai…Tuy nhiên, những kế hoạch này nhằm hướng tới những nội dung khác nhau, gây khó khăn cho việc ưu tiên đầu tư thông qua những lưu vực. Chắc chắn trong một lưu vực, quy hoạch và những dự án không thể điều phối được. Để bổ sung vào sự thiếu hụt đó, những kế hoạch đã được chuẩn bị bởi nhiều Bộ, ngành khác nhau. Tuy nhiên, những vấn đề diễn ra trong thực tế không được như mong muốn đã xảy ra hiện tượng lấp một phần sông Đồng Nai để xây dựng khu đô thị ven sông của chính quyền tỉnh Đồng Nai.Qua đây thấy được hiệu lực quản lý của nhà nước về tài nguyên nước đang còn nhiều bất cập. Cũng theo ông Hồng, hãy để cho dòng sông được hồi sinh với nghĩa quà tặng của thiên nhiên cho con người. Mọi chính sấch, mọi sự cố gắng điều hành của nhà nước trong việc bảo vệ tài nguyên nước sẽ không có hiệu quả khi nhận thức và sự ứng xử của con người không vì môi trường sống...
Kết thúc hội thảo, ông Trần Việt Hùng – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội VIệt Nam khảng định: Việt Nam với hơn 2000 con sông lớn nhỏ, có một lợi thế lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc khai thác gắn với phát triển bền vững các lưu vực sông, đặc biệt là sông lớn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều lưu vực bị khai thác bừa bãi, lấp sông, chặn dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nguồn nước hệ sinh tháivà cộng đồng dân cư. Ông Trần Việt Hùng cảm ơn các vị đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao của mình để có những ý kiến đóng góp quý báu cho hội thảo. Sau hội thảo này, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp những ý kiến đó làm căn cứ tham mưu cho các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục nâng cao vai trò về quản lý tài nguyên nước và lưu vực sông, tổ chức quản lý và quy hoạch lưu vực sông góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước,/.