Thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây có sự đầu tư lớn từ chính quyền địa phương để xây kè, làm đường, trồng cây, xử lý rác thải,... nhưng chỉ mới dừng lại ở mức các công trình trọng điểm như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và một phần kênh Đôi - kênh Tẻ. Đa số các kênh rạch khác của Thành phố Hồ Chí Minh đang ô nhiễm rất trầm trọng, thậm chí có đoạn kênh rác đã ngập dày đến mức có thể đi bộ qua kênh.
Do sự thiếu ý thức của người dân
Rạch Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh là một trong những con rạch “cơ bản” đã ngập đầy rác. Nước tại rạch Phan Văn Hân đen kịt và có mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng nhiều vô kể. Theo ghi nhận của phóng viên, sở dĩ có tình trạng ô nhiễm tại đây là bởi sự thiếu ý thức của người dân địa phương sống hai bên bờ rạch, bao gồm cả những hộ lấn chiếm rạch để xây nhà tạm bợ. Khó thống kê được có bao nhiêu rác thải sinh hoạt hữu cơ và rác thải sinh hoạt vô cơ đã bị vứt xuống dòng kênh này nhưng mức độ dày đặc của rác chứng tỏ mức độ ô nhiễm ở đây rất cao.
Tương tự như rạch Phan Văn Hân là rạch Bàu Trâu tại quận 6 (có chảy qua một phần quận Tân Phú). Con rạch này đã trở thành một “con rạch chết”, không thể đảm nhận vai trò thoát nước vào mùa mưa cũng vì ngập đầy rác đến mức có những đoạn có thể đi bộ. Nhiều hộ dân tại đây ngoài việc xả rác còn phóng uế trực tiếp xuống rạch. Rạch Bàu Trâu từng có kế hoạch vớt rác do UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký vào tháng 11/2014 nhưng đến nay tình trạng rác ngập tràn rạch vẫn còn mà kế hoạch thì chưa biết khi nào mới triển khai.
Vớt lục bình khơi thông dòng chảy trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: TTXVN
|
Ông Phạm Văn Tân (còn gọi là ông Bảy Tân), một người dân gần 40 năm tự nguyện vớt rác thầm lặng tại khu vực kênh Cầu Mé, quận 11 đã chia sẻ sự bức xúc: “Thấy kênh nhiều rác, nước chảy không thông nên tôi xuống vớt rác khơi dòng, nhưng rác ở đây nhiều vô cùng tận vì mình vớt chỗ này thì có những người vô ý thức lại quăng rác xuống chỗ khác. Có mấy cháu nhỏ gần nhà cuối tuần đi làm về cũng phụ tôi vớt rác và địa phương cũng từng tổ chức đoàn thanh niên vớt rác theo phong trào nhưng rác vẫn không thể nào hết. Tôi vớt rác từ cái túi, chai nhựa nhỏ đến bộ salon lớn, từ túi nion nhẹ hều đến những chậu kiểng nặng nề, cái gì cũng có.” Theo ông Bảy Tân, chính sự vô ý thức của người dân mới là nguyên nhân khiến kênh Cầu Mé nói riêng và kênh rạch Thành phố Hồ Chí Minh nói chung ngập đầy rác và chỉ có xử phạt thật nặng mới đủ sức răn đe các hành vi xả rác.
Ông Bảy Tân nói: “Có mấy cuộc họp của địa phương, của Sở hay Bộ Tài nguyên và Môi trường mời tôi như là một điển hình bảo vệ môi trường và tôi cũng đã góp ý nhiều lần về việc phải phạt nặng hành vi xả rác bừa bãi nhưng rồi chuyện đâu lại vào đó. Tôi vớt rác đâu phải vì cần làm điển hình này nọ, nên mời tôi đi thì có sao tôi góp ý vậy, nhưng họ nghe xong để đó thì cũng như không.”
Sự thiếu sát sao của địa phương
Vụ việc gần đây nhất là việc cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn từ cầu Trần Khánh Dư, quận 1 đến đoạn cầu Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) chết nhiều. Ông Nguyễn Văn Tuấn, sống ở khu vực chung cư Rạch Miễu khi chứng kiến sự việc này đã rất bức xúc và cho rằng đây là do sự tắc trách của chính quyền cấp quận. Theo ông Tuấn, việc phối hợp liên quận trong việc bảo vệ kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè là rất kém. Cá chết trên một đoạn kênh như vậy chớ không phải toàn bộ dòng kênh nghĩa là có xả thải cục bộ ở đâu đó như báo chí đã nêu nhưng tìm không ra là trách nhiệm của địa phương. Ông Tuấn chỉ những bảng cấm câu cá ở hai bên đường Trường Sa và Hoàng Sa chạy uốn theo kênh Nhiêu Lộc và cho biết những bảng cấm này chỉ “dựng lên cho có" còn việc câu cá vẫn cứ diễn ra bình thường mà không có ai nhắc nhở. Ông Tuấn còn cho hay chính dân địa phương đã phản ánh hiện tượng giăng lưới bắt cá, chích điện bắt cá ngay trên dòng kênh này, nhưng chỉ có báo chí mới phản ánh lên, còn chính quyền địa phương thì... không biết.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Môi trường và Tài nguyên cho biết, Viện đã có những khảo sát cơ bản về ô nhiễm kênh rạch và ghi nhận các thông số BOD5, NH40N, TSS, Coliforms... ở mức cao. Bà Phượng cũng đồng ý về việc ý thức người dân chưa cao song cũng lưu ý về các hoạt động mang tính tuyên truyền hay xử lý hành chính của chính quyền chưa hiệu quả, chưa đủ tính răn đe. “Tôi nghĩ chính quyền cần quyết liệt hơn vì tình trạng cố tình xả rác ra kênh rạch kéo dài chứ không phải mới có gần đây. Và quan trọng hơn là làm cho người dân hiểu xả rác sẽ tác động xấu đến chính họ và con em họ ra sao để dân tự điều chỉnh hành vi của mình”, bà Phượng đề xuất.
Ông Lưu Văn Tấn, Trưởng phòng nước thải - Trung tâm chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Xả rác khiến công tác chống ngập của thành phố khó khăn hơn khi phải chi phí duy tu công trình, khơi dòng,... UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng thường xuyên chỉ đạo chuyện này nhưng các vấn đề quy hoạch, nhà dân sát kênh rạch chưa giải tỏa, ý thức hợp tác bảo vệ môi trường của người dân chưa cao và kinh phí hạn chế là những nguyên nhân. Tôi nghĩ phải có lộ trình dài hơi và đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền nên chú ý tập trung nâng cao ý thức các bạn trẻ thì sẽ hiệu quả hơn”.
Mai Quốc Ấn (TTXVN)