18/05/2015 10:13:44 SA

 

Vẫn phải sử dụng nước ngầm ô nhiễm

Việc khai thác nước ngầm qua các giếng khoan tự phát ở khu dân cư tác động không nhỏ đến môi trường, gây những rủi ro về sức khỏe cho chính người sử dụng trên địa bàn TP.HCM.

Ô nhiễm nước ngầm từ giếng khoan đặt ra nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe cho người dân ở các khu vực dân cư. (Ảnh: Hồng Phúc)

Ô nhiễm nước ngầm từ giếng khoan đặt ra nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe cho người dân ở các khu vực dân cư. (Ảnh: Hồng Phúc)

Thời điểm 10 năm trước, khi số giếng nước ngầm đạt ngưỡng 100.000 (lưu lượng khai thác trung bình 600.000m3/ngày, mật độ trung bình 46 giếng/km2), UBND TP.HCM đã phải ban hành quy định quản lý tài nguyên nước, thậm chí cụ thể mức thu phí nếu vượt quá quy định.

Trong đó, các công trình khai thác nước ngầm nói chung có quy mô khai thác từ 20m3đến dưới 3.000m3/ngày đêm phải được sự cho phép của Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Bên cạnh đó, thành phố cũng quy định mức tính phí khai thác tài nguyên nước rất cụ thể. Mặc dù vậy, do việc khai thác thiếu quy hoạch thời gian qua, với quy mô giếng khoan mới ngày càng lớn đã dẫn đến hậu quả là nhiều khu vực khai thác nước ngầm bị sụt lún. Ước tính, số giếng khoan khai thác nước ngầm hiện nay đã vào khoảng 200.000, với quy mô khai thác là 1 triệu m3/ngày đêm. Theo nghiên cứu của Trung tâm Địa tin học (ĐH Quốc gia TP.HCM), các khu vực bị lún cục bộ được phát hiện đang lún trung bình khoảng 1 cm/năm. Trong đó, 17 quận/huyện được thống kê xảy ra hiện tượng lún, trong đó có nơi bị lún sâu đến 30 cm. Nguyên nhân chủ yếu được đơn vị này xác định là do việc khai thác nước ngầm vượt quá ngưỡng cho phép; bên cạnh các nguyên nhân như: kênh/rạch bị san lấp, quá trình bê tông hóa đô thị,…Trong khi đó, Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM dự báo, các khu vực sụt lún của thành phố có thể tiếp tục lún sâu thêm 12-22cm đến năm 2020.

Để giải quyết thực trạng trên, ban đầu thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác lắp đặt hệ thống cấp nước sạch đến các khu vực có nhiều hộ dân khoan giếng khai thác nước ngầm để người dân chuyển đổi sử dụng nguồn nước sạch. Và đến cuối 2013, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã giải quyết cấp nước sạch được cho trên 90% hộ dân ở 235/322 xã/phường thuộc 23/24 quận/huyện, trừ huyện Củ Chi. Tuy vậy, trên thực tế, số hộ dân vẫn duy trì sử dụng nước ngầm cho các nhu cầu sinh hoạt tại nhiều khu vực dân cư vẫn tái diễn thường xuyên. Trong đó, đa số do vấn đề giá tiền nước sạch hàng tháng còn cao; giới hạn trong phân phối, cung cấp nước sạch;….Thậm chí, đơn vị này có thời điểm thống kê đến 94.000 đồng hồ trên địa bàn chỉ dùng trung bình từ 1-4m3/tháng nước sạch.

Khai thác nước ngầm không theo quy hoạch cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn, đặt ra cảnh báo cao về sức khỏe cho người dân. Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM, thời gian qua chỉ mới có 2/15 KCX-KCN trên địa bàn là sử dụng 100% nước sạch do Nhà nước cung cấp. Trong khi, hầu hết các KCN-KCX còn lại khai thác thêm nước ngầm hoặc sử dụng song song cả hai hệ thống cung cấp để giảm chi phí. Khảo sát của HĐND TP.HCM phát hiện nhiều trường hợp DN tự khai thác nước ngầm tại các KCN Tân Tạo, Tân Bình, Vĩnh Lộc,…Đó là chưa kể, số lượng lớn các DN tư nhân, nhà máy sản xuất nằm xen kẽ các khu dân cư rất khó quản lý. Đáng chú ý, nhiều DN tự ý khoan giếng khai thác không xin phép cơ quan chức năng và chính quyền sở tại. Tuy nhiên, trong công tác quản lý hiện nay cũng rất khó để phát hiện, cũng như có cơ chế xử phạt nghiêm minh. Hiện mức quy định lượng nước khai thác trung bình mỗi ngày trong mức cho phép là dưới ngưỡng 100.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng lượng khai thác thực tế có thể gấp 4 – 5 lần, trong đó phân nửa là từ khai thác nguồn nước ngầm.

Giám sát tình hình sử dụng và cung cấp nước sạch tại Q.Bình Tân (TP.HCM) của HĐND TP.HCM vào ngày 12-5-2015 cho thấy, riêng Q.Bình Tân còn trên 21.000 hộ dân đang sử dụng giếng khoan. Trong đó, kết quả lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước cho thấy hầu hết mẫu nước chưa đạt chuẩn hóa lý, vi sinh. Theo UBND Q.Bình Tân, chính quyền quận đã phải đề xuất UBND TP bố trí ngân sách vào khoảng hơn 8 tỉ đồng cho để tiến hành nạo vét, thanh thải nguồn nước ô nhiễm và cấp nước sạch cho người dân.

Hiện nay, trong quy hoạch của TP.HCM đã chính thức thông qua giai đoạn 1 của đề án “TP.HCM phát triển hướng ra biển thích ứng với biến đổi khí hậu” để đối phó với nguy cơ ngập lụt và sụt lún đất. Chính quyền thành phố cũng đang xem xét đề xuất về xây dựng bản đồ vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm, ngoại trừ vùng được khai thác có diện tích 572km2 (chủ yếu thuộc Q.12, các huyện Hóc Môn và Củ Chi).

Theo Lê Anh/ Đại Đoàn Kết

Từ Khóa:  Ô nhiễm môi trường nước