19/05/2015 10:30:59 SA

 

Kiểm soát ô nhiễm nước: Cần có hành động quyết liệt

Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm, trong khi nguồn nước ngầm cũng đang bị nhiễm mặn, hóa chất trừ sâu và chất có hại khác thâm nhập... 

Ô nhiễm nước không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Trung bình mỗi năm có 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trong khi 200.000 trường hợp khác được phát hiện ung thư mà nguyên nhân là do sử dụng nước bị ô nhiễm.
 
Công nhân Công ty Thoát nước nạo vét thu gom rác thải trên sông Kim Ngưu. Ảnh: Khánh Nguyên
Công nhân Công ty Thoát nước nạo vét thu gom rác thải trên sông Kim Ngưu. Ảnh: Khánh Nguyên

Nước thải sinh hoạt, công nghiệp: Nguồn ô nhiễm chính

Báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước cho thấy, việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình hạn chế, chỉ một số thành phố lớn mới có công trình xử lý nước thải tập trung nhưng cũng chỉ đáp ứng được lượng nhỏ, còn lại phần lớn xả trực tiếp vào hệ thống cống. Trong khi, 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc có nhưng không đạt quy chuẩn. Chỉ có 42 cụm công nghiệp trên tổng số 639 cụm công nghiệp, với gần 10.800 nhà máy có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Và hầu như toàn bộ nước thải công nghiệp từ làng nghề đều xả thẳng ra hồ, ao, sông ngòi. 

Nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất nhưng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nông dược, phân bón hóa học trong sản xuất đã làm cho nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm. Đặc biệt, trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn, hóa chất dư lắng xuống đáy hồ, lòng sông dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm chất hữu cơ, phát sinh một số sinh vật gây bệnh hoặc các loài tảo độc. 

Theo thống kê, 600.000m3 nước thải sinh hoạt, 240.000m3 nước thải công nghiệp chưa qua xử lý cộng với 7.000m3 nước thải lò mổ, bệnh viện, cơ sở sản xuất nhỏ mà chỉ 30% trong số đó được xử lý là một trong những nguồn chính dẫn đến ô nhiễm sông, hồ. Điều này lý giải tại sao hiện tượng ô nhiễm chủ yếu xảy ra ở vùng trung và hạ lưu các lưu vực sông, khu vực đông dân cư và khu công nghiệp. Hậu quả của ô nhiễm nước là việc gia tăng chi phí sản xuất, tác động tới hiệu quả và tính cạnh tranh sản phẩm, nhất là thủy sản và nông nghiệp. Song, hơn cả ô nhiễm nước tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo của các ngành chức năng, trung bình mỗi năm có 9.000 người chết vì nguồn nước ô nhiễm, 200.000 người khác được phát hiện ung thư mà nguyên nhân do sử dụng nước bị ô nhiễm. 

Cần có luật về kiểm soát ô nhiễm nước?

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng Nguyễn Ngọc Lý, vấn đề đặt ra là tại sao việc kiểm soát ô nhiễm nước được thể chế hóa tại nhiều văn bản pháp luật, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được ngăn ngừa, thậm chí còn có xu hướng vượt ngoài tầm kiểm soát. Thứ nhất, thực tế Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước vẫn mang tính bao quát, nguyên tắc chung nên tính khả thi rất yếu. Quy định kiểm soát ô nhiễm nước thiếu thống nhất giữa các luật dẫn tới người thực thi khó biết cần phải làm gì, ai làm, làm như thế nào. Thứ nữa, xử lý ô nhiễm quyết định bởi hai yếu tố công nghệ và tài chính nhưng trong luật chưa quy định cụ thể nên công nghệ lạc hậu vẫn được sử dụng, dẫn đến vừa mất tiền đầu tư mà không hiệu quả. Đáng chú ý, các vụ ô nhiễm nước hầu như chỉ được biết đến nhờ truyền thông, từ phản ánh của người dân do họ quá bức xúc. Trên thế giới, nhiều nước phát triển đã trải qua giai đoạn ô nhiễm nước nghiêm trọng trong giai đoạn công nghiệp hóa và đã phải ban hành các quy định khắt khe để kiểm soát ô nhiễm nước. 

Tại hội thảo "Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước" vừa được Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Liên minh Nước sạch tổ chức tại Hà Nội, đã có ý kiến đề xuất Quốc hội giám sát tối cao về môi trường nước và đưa vào chương trình xây dựng luật một luật riêng kiểm soát ô nhiễm nước. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, các quy định hiện khá toàn diện, cụ thể, rõ ràng từ biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả. Sở dĩ ô nhiễm nước vẫn đang là thách thức lớn vì nguồn nhân lực và tài chính hạn chế, trong khi nhận thức và ý thức chấp hành của cộng đồng chưa cao. Thực tế là, không ít cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm pháp luật, thậm chí vi phạm quy mô lớn. Vấn đề không phải ở chỗ thiếu văn bản pháp lý mà ở ngay chính yếu tố con người. Vì vậy, chưa cần thiết có luật riêng kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mà nên tập trung tăng cường chế tài như bổ sung quy định xử lý hình sự hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, tăng mức xử phạt hành chính; xây dựng hệ thống giám sát quốc gia hoạt động xả thải; công bố danh sách cơ sở gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm… 

Có hay không luật riêng kiểm soát ô nhiễm nước còn cần bàn thêm, nhưng rõ ràng ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề cấp bách, đòi hỏi những hành động quyết liệt ngay từ lúc này.

Từ Khóa:  kiểm soát ô nhiễm  môi trường nước