20/05/2015 2:48:05 CH

 

Các thuỷ điện phải trồng rừng thay thế trong năm 2015

Đến nay, diện tích trồng rừng thay thế các dự án thủy điện mới được 2.445 ha, đạt 22% kế hoạch.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đặc biệt là sang đầu tư xây dựng các công trình thủy điện phải hoàn thành công tác trồng rừng thay thế trong năm 2015; đồng thời, hỗ trợ giải quyết đất đai để trồng lại rừng trên địa bàn.

Phó Thủ tướng lưu ý đối với các dự án, Chủ đầu tư đã nộp tiền về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh thì phải khẩn trương chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để bố trí trồng rừng ngay không để tồn quỹ. Trường hợp địa phương không còn quỹ đất thì khẩn trương nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch bố trí cho các tỉnh khác.

Chủ đầu tư thủy điện không chịu trồng lại rừng
Chủ đầu tư thủy điện không chịu trồng lại rừng

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 2/CT-TTg ngày 24/1/2014 và văn bản số 10065/VPCP-KTN ngày 16/12/2014 của Văn phòng Chính phủ.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương đến tháng 12/2014, có 28/55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trồng rừng thay thế được 7.191 ha; trong đó diện tích trồng trong năm 2014 là 4.648 ha, đạt 35% tiến độ kế hoạch năm; bao gồm: diện tích trồng rừng thay thế các dự án thủy điện 2.445 ha, đạt 22% kế hoạch; diện tích trồng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích khác 2.203 ha, đạt 104% kế hoạch.

Cách đây chưa đầy 2 năm, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội từng cho biết, mặc dù trách nhiệm trồng rừng thay thế là bắt buộc đối với các dự án thủy điện, nhưng trong nhiều năm qua, hầu hết các chủ đầu tư đều trốn tránh trách nhiệm, thậm chí không nộp phí dịch vụ môi trường rừng mà không ai bị truy cứu trách nhiệm. Nguyên nhân là bởi Nghị định 23 về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng được ban hành từ tháng 3/2006 nhưng hơn 7 năm mới có Thông tư hướng dẫn.

Đáng lưu ý, Viện Quản lý rừng bền vững chỉ rõ, một phần đáng kể rừng bị phá phục vụ thủy điện là rừng tự nhiên có giá trị lớn về lâm sản và sinh thái. Tuy nhiên, pháp luật chỉ quy định thủy điện lấy mất bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng lại bấy nhiêu. Còn giá trị những diện tích rừng bị thu hồi này thì chưa có văn bản pháp luật nào quy định. Ngay cả Thông tư số 24 được ban hành tháng 5/2013 cũng không quy định vấn đề này.

Trong khi đó, từng trao đổi với Đất Việt,  ông Phạm Hồng Lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định: "Cho tới nay chưa có một đồng tiền nào của chủ dự án làm thủy điện được gửi về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng”. Nguyên nhân là vì chưa có một cơ chế, chế tài nào quy định việc xử  lý, ép buộc doanh nghiệp, chủ đầu tư phải nộp tiền, số tiền cụ thể là bao nhiêu nên mới có hiện tượng có quỹ phát triển rừng mà rừng vẫn mất.

Không những chây ỳ, có chủ đầu tư thậm chí còn đề xuất gây sốc: dùng rừng cao su thay thế rừng trồng bù thuỷ điện. Đó là câu chuyện diễn ra vào năm 2014 và chủ nhân của đề xuất này là đại diện Nhà máy Thuỷ điện La Hiêng (Phú Yên).

Khi đó, đại diện nhà máy xin lấy diện tích mà chủ đầu tư đã trồng cao su để kinh doanh trước đây thay thế diện tích rừng mà nhà máy thủy điện này cần phải trồng.

Đề xuất này lập tức vấp phải sự phản đối của các cơ quan chức năng và giới chuyên gia. Bà Đặng Thị Lành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên nói thẳng: không bao giờ tỉnh chấp nhận đề nghị này.

“Rừng cao su đâu có thay thế được rừng trồng bù thủy điện?. Cao su không phải là rừng. Phía doanh nghiệp chỉ nói vậy cho vui chứ không ai chấp nhận đề nghị buồn cười đó. Đó là còn chưa kể rừng cao su trước đó được doanh nghiệp trồng để kinh doanh, nay đòi đưa ra thế vào diện tích cần bù thì đúng là không nghe được”, bà Lành nói.

An Nhiên

Từ Khóa:  Thủy điện