Toàn quốc đã có 26 nhà máy xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị tập trung được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của các địa phương. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy vào khoảng 6.000 tấn/ngày. Công suất thực tế của các cơ sở xử lý đạt được 70% so với công suất thiết kế. Tổng mức đầu tư của 26 dự án khoảng 4.399 tỷ đồng từ các nguồn vốn ODA, ngân sách nhà nước, vay ưu đãi và vốn tư nhân.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn và xác định một số công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hiện nay, công nghệ xử lý chất thải rắn chủ yếu tập trung vào 03 loại hình công nghệ chính là chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt.
Qua khảo sát, đánh giá thì hầu hết các công nghệ, thiết bị nhập ngoại chưa phù hợp với thực tế tại Việt Nam (do đặc điểm sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, điều kiện tự nhiên, khí hậu, chi phí đầu tư và xử lý bằng công nghệ nhập ngoại lớn...) và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đối với các công nghệ, thiết bị trong nước nghiên cứu phát triển vẫn còn nhiều bất cập, một số nhà máy xử lý vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Các thiết bị này còn khá nhiều tồn tại, đặc biệt thiết bị sản xuất trong nước chưa giải quyết được triệt để và cần phải hoàn thiện dây chuyền công nghệ, thiết bị để phù hợp với quy mô, công suất, tính chất và thành phần chất thải rắn tại các địa phương.
Đối với chương trình dự án thí điểm xử lý chất thải rắn, Chính phủ giao và Bộ Xây dựng đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận 05 công nghệ xử lý chất thải rắn được nghiên cứu trong nước để rút kinh nghiệm hoàn thiện và áp dụng thí điểm.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị tiếp tục các chính sách hỗ trợ để hoàn thiện dây chuyền công nghệ được sản xuất trong nước đặc biệt các dây chuyền công nghệ phục vụ cho các dự án thí điểm. Khuyến khích sử dụng công nghệ đốt kết hợp với sản xuất phân compost để thu hồi được năng lượng tái tạo hoặc sản phẩm phân compost nhằm bảo đảm dự án hoạt động hiệu quả.
Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 54 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn: các quy hoạch CTR vùng kinh tế trọng điểm còn chậm triển khai do chưa có chủ đầu tư, khó khăn về nguồn vốn; các quy hoạch đã được phê duyệt nhưng sự đồng thuận của người dân chưa cao, công tác tuyên truyền, vận động người dân của chính quyền tại các địa phương chưa được chú trọng nên khó triển khai.
Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do còn thiếu về cơ chế, pháp lý như chưa xác định được chủ đầu tư, việc đồng thuận của cộng đồng trong vấn đề vận chuyển chất thải rắn từ vùng khác (tỉnh khác) đến xử lý tại cơ sở xử lý chất thải rắn.